Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm giá thể trồng dưa lưới

01/02/2022 - 06:59

 - Với mong muốn giúp nông dân chủ động tìm được nguồn giá thể phù hợp, mang lại hiệu quả, ông Tôn Hồng Tân (Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã thực hiện khảo nghiệm giá thể trồng dưa lưới bằng cách phối trộn bã xơ dừa với các phụ phẩm nông nghiệp, như: Rơm sau khi trồng nấm rơm, trấu, cùi bắp. Với những khảo nghiệm thực tế này giúp mở ra hướng mới cho nông dân trong việc chọn lựa giá thể trồng dưa lưới, vừa tiết kiệm chi phí, vừa chủ động nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân trồng dưa lưới ở địa phương, ông Tôn Hồng Tân đã tiến hành khảo nghiệm thực tế với các nghiệm thức phối trộn từ xơ dừa và các nguyên liệu, như: Bã rơm sau khi làm nấm rơm, cùi bắp, trấu với tỷ lệ khác nhau.

Theo ông Tân, không riêng TX. Tân Châu mà nhiều nơi trong tỉnh đã và đang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mô hình sản xuất dưa lưới phù hợp với định hướng phát triển này, nên thời gian qua được nông dân ở các địa phương lựa chọn phát triển.

Tuy nhiên, về nguồn giá thể để canh tác dưa lưới chủ yếu được sử dụng là xơ dừa qua ngâm ủ. Đây là nguyên liệu không có sẵn trong tỉnh mà phải chọn mua ở ngoài tỉnh. Vì không chủ động được, thêm phần phải vận chuyển, nên lại phát sinh chi phí sản xuất, nông dân mất đi một phần lợi nhuận.

Trong khi đó, các nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh rất đa dạng, sẵn có từ bã rơm sau khi trồng nấm rơm, cùi bắp, trấu… Nếu được nghiên cứu phối trộn với tỷ lệ phù hợp cùng xơ dừa sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường khi tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau sản xuất.

“Trong canh tác dưa lưới, bên cạnh tìm được giống tốt, khỏe, đạt năng suất thì giá thể là một trong những yếu tố quan trọng để tiết giảm chi phí. Đặc biệt hơn, nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ thì vừa có thể chủ động sản xuất, không lệ thuộc vào nơi khác, vừa giúp nâng cao giá trị cây lúa, bắp, do tận dụng được phụ phẩm sau mùa vụ” - ông Tân giải thích.

Dưa lưới được trồng bằng bã rơm sau trồng nấm... cho chất lượng trái rất tốt

Từ tháng 8-2021, ông Tân bắt đầu thử nghiệm trồng giống dưa TL3 trong nhà lưới tại xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), với 9 nghiệm thức được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Theo đó, mỗi nghiệm thức được thử nghiệm trên 30 gốc dưa lưới, được quan sát, theo dõi lấy chỉ tiêu trong suốt quá trình canh tác. Trong 9 nghiệm thức này, có 1 nghiệm thức với giá thể truyền thống, thông dụng được chọn hoàn toàn là loại bã xơ dừa dùng đối chứng. Bên cạnh đó, có một nghiệm thức hoàn toàn 100% phụ phẩm bã rơm rạ, các nghiệm thức còn lại được phối trộn có tỷ lệ từ 25-75% các nguyên liệu, như: Xơ dừa, bã rơm, cùi bắp, trấu. Các nghiệm thức đều được xử lý trước 5 ngày bằng nấm Trichoderma, sau đó mới trồng cây con vào bầu.

Trong thời gian trồng, các nghiệm thức chỉ khác giá thể, còn lại đều được sử dụng với cùng kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc dưa lưới của nông dân địa phương. Khi tiến hành với nhiều loại giá thể được phối trộn từ nhiều loại nguyên liệu như vậy sẽ giúp tìm được giá thể có nhiều ưu điểm nhất: Nhiều dinh dưỡng, giá cạnh tranh, chủ động nguyên liệu giá thể, tận dụng nguồn phế - phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình thực nghiệm, ông Tân còn tổ chức hội thảo để bà con nông dân tham quan, trải nghiệm thực tế, đánh giá khách quan về các nghiệm thức đang được thực hiện. Sau 4 tháng canh tác, đã ghi nhận kết quả khả quan, nổi trội nhất là nghiệm thức dùng 100% bã rơm sau trồng nấm cho hiệu quả kinh tế 42,2 triệu đồng/1.000m2; nghiệm thức 50% bã xơ dừa trộn với 50% cùi bắp cho hiệu quả kinh tế 39,9 triệu đồng/1.000m2.

Điều phấn khởi là trọng lượng trái của các nghiệm thức có sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã qua xử lý cao hơn nghiệm thức trồng thuần bã xơ dừa. “Như vậy, nông dân có thể sử dụng 100% rơm sau trồng nấm làm giá thể trồng dưa lưới hoặc có thể phối trộn xơ dừa với rơm sau trồng nấm, cùi bắp để trồng dưa lưới. Đây là cách giúp giảm chi phí sản xuất trong khâu chuẩn bị giá thể, tăng thêm năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thuần bằng giá thể xơ dừa” - ông Tân chia sẻ.

Với nghiên cứu thực tế của ông Tân sẽ giúp nhà nông, đặc biệt là bà con sản xuất dưa lưới tiết kiệm chi phí sản xuất, có thêm nhiều lựa chọn trong việc sử dụng giá thể an toàn, hữu cơ để hướng đến sản xuất nông sản sạch. Đặc biệt, nguồn phụ phẩm nông nghiệp không chỉ được tận dụng mà còn có thể mang lại lợi nhuận, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

ÁNH NGUYÊN