Tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản

29/12/2022 - 07:01

 - Khai thác khoáng sản tràn lan, không phép, nhất là cát sông, đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ bố trí trên 13.000 tỷ đồng khắc phục sạt lở ở ĐBSCL.

Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp khai thác khoáng sản trái phép

Thời gian qua, các cấp, ngành, chính quyền nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; việc thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động khoáng sản ngày càng được tăng cường. Các doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động khoáng sản cơ bản tuân thủ quy định pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, góp phần hạn chế thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản có lúc chưa thật chặt chẽ; việc khai thác khoáng sản trái phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được chấm dứt triệt để; một số DN được cấp phép khai thác khoáng sản để cung cấp cho công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhưng chưa xác định cụ thể danh mục công trình, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu sở, ban, ngành và các địa phương trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, tiếp tục phát huy kết quả đạt được; triển khai nghiêm quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng; sở, ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục.

“Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu. Các cấp, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản, nhằm đảm bảo nhu cầu vật liệu phục vụ cho công trình vốn ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, của quốc gia qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là: Không lắp đặt camera giám sát, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế, khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Cùng với đó, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và của người dân; kịp thời phản ánh, thông tin về tình hình khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm. Tăng cường chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý trường hợp tổ chức (được cấp phép khai thác khoáng sản) không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm thẩm định, tham mưu UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản để phục vụ cho các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước (trừ khu mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản), phải xác định cụ thể danh mục công trình, khối lượng và tiến độ cung cấp cho công trình. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước... Trường hợp phát hiện nguồn vật liệu không được cung cấp cho công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo danh mục đã bố trí, đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, dừng dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy kết hợp thu hồi khoáng sản.

Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật có liên quan; việc thực hiện quy định tại giấy phép khai thác khoáng sản, kiểm soát sản lượng khai thác thực tế, giám sát việc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện khai thác được cấp phép. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, không đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ và các hành vi vi phạm khác theo quy định. Rà soát giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực (giấy phép hết hạn, giấy phép bị thu hồi…) để yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan lập và thực hiện nghiêm Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; không để tình trạng giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực mà không lập Đề án đóng cửa mỏ, không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.

Theo Công an tỉnh, đơn vị chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường và cảnh sát kinh tế phối hợp chặt chẽ sở, ban, ngành và UBND địa phương kịp thời ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép.

MINH THƯ