Tập trung bảo vệ vụ lúa đông xuân

22/02/2024 - 07:45

 - Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn, sáng sớm có sương mù... là điều kiện cho nhiều loại bệnh dịch gây hại trên lúa đông xuân 2023 - 2024. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện các loại dịch hại và phòng trừ đúng cách, đặc biệt là rầy nâu, rầy phấn trắng, muỗi hành...

Lưu ý rầy nâu

Vụ đông xuân năm nay, nông dân Nguyễn Văn Trí (ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) canh tác giống lúa OM18. Lúa hiện được hơn 70 ngày tuổi, đang phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh. Kết quả này có được nhờ ông Trí cùng cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, giúp giảm giống, nước, phân bón và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, qua tăng cường thăm đồng sau Tết, ngành chuyên môn phát hiện một số dịch hại trên ruộng lúa. Với đặc điểm thời tiết nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm hơn 10oC, có sương mù sáng sớm... là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng, như: Rầy nâu (gây bệnh vàng lùn, bệnh lùn xoắn lá), rầy phấn trắng, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh do vi khuẩn, đạo ôn cổ bông... tiếp tục phát sinh, có nguy cơ gây hại nặng đến cuối vụ trên trà lúa đòng - trổ, chín; cục bộ muỗi hành gây hại trên trà lúa trễ (đang ở giai đoạn đẻ nhánh).

Tập trung bảo vệ lúa đông xuân

Để bảo vệ tốt sản xuất đến cuối vụ đông xuân 2023 - 2024, ngành TT&BVTV cùng địa phương, tổ khuyến nông cộng đồng tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến sinh vật gây hại; hướng dẫn, khuyến nông nông dân giải pháp phòng, chống kịp thời, đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng sinh vật gây hại có khả năng bùng phát thành dịch, như: Rầy nâu, rầy phấn trắng, muỗi hành, bệnh vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông và một số bệnh do vi khuẩn.

Ông Nguyễn Văn Hiền lưu ý, điều kiện thích hợp cho rầy nâu phát sinh gây hại nhiều là sử dụng giống nhiễm rầy, chân ruộng lúa sạ quá dày, bón phân đạm nhiều, thời tiết nóng, có những đợt mưa ngắn và thiên địch trên đồng ruộng ít. Đối với lúa ở các giai đoạn đẻ nhánh - đòng, trổ, cần thăm đồng, theo dõi thường xuyên mật số rầy. Nếu số lượng rầy nâu ít, gây hại không đáng kể thì chỉ cần chăm sóc cây lúa bình thường và tiếp tục điều tra, theo dõi.

Nếu mật số rầy nâu cao (ngưỡng phòng trừ 3 con/tép) thì việc sử dụng thuốc trừ rầy cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách). Khi phun thuốc, cần đủ lượng nước sử dụng (40 - 60 lít nước/1.000m2), phun hợp lý theo từng thời điểm và giai đoạn của cây lúa. Nếu ruộng chủ động được nước, nên đưa nước vào ruộng trước phun để đẩy rầy lên phía trên cây lúa nhằm dễ tiếp xúc với thuốc, tăng hiệu quả phòng trừ.

Một số hoạt chất thuốc được khuyết cáo phòng trừ rầy nâu, như: Imidacloprid, Buprofezin, Pymetrozine, Dinotefuran, Triflumezopyrim, Fenobucarb, Thiamethoxam… Nên luân phiên thuốc để tránh việc rầy kháng thuốc.

Cảnh giác rầy phấn trắng

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, rầy phấn trắng (Aleurocybotus indicus), còn gọi là bọ phấn trắng, rầy cánh phán, khác với rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) trên lúa. Đây là đối tượng dịch hại mới, gây hại nghiêm trọng trên cây lúa trong những năm gần đây ở ĐBSCL, trong đó có An Giang.

Rầy phấn trắng phát triển và gây hại nặng trong điều kiện thời tiết ít mưa, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp, giai đoạn từ mùa mưa chuyển sang mùa nắng và gây hại nặng trong điều kiện nắng nóng, ruộng bị thiếu nước, chân ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm. Vòng đời rầy phấn trắng trên lúa từ 17 - 24 ngày, gồm 3 giai đoạn: Trứng (8 ngày) - ấu trùng (14 ngày) - thành trùng (2 ngày).

Khi có mưa, mưa rào hoặc thời tiết mát, mật số rầy phấn trắng giảm rõ rệt. Giai đoạn gây hại chủ yếu là ấu trùng và ở tất cả giai đoạn của cây lúa. Ấu trùng rầy phấn trắng chích hút nhựa cây với lá, làm cho lá lúa bị vàng tại chỗ chích hút và lan dần về phía ngọn, nếu bị nặng toàn bộ lá lúa sẽ bị vàng. Ban đầu, ấu trùng rầy phấn trắng sẽ xuất hiện ở các lá già, sau đó thành trùng đẻ trứng và gây hại trên các lá tiếp theo. Gây hại nặng có thể làm lá bị xoắn (gần giống với lùn xoắn lá), bông bị nghẹn không trổ ra được.

Mật số phát triển và gây hại lúa của rầy phấn trên diện rộng, khi bị tác động, chúng có thể di chuyển sang ruộng khác. Rầy phấn trắng có kích thước rất nhỏ, phát triển dưới mép lá, tập quán linh động, di chuyển nhanh, mật số nhân lên nhanh chóng. Cơ thể có lớp phấn trắng bao phủ bên ngoài, khó thấm nước. Vì vậy, một số loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khó tiếp xúc, thấm được vào bên trong cơ thể rầy nên việc sử dụng thuốc hiện nay chưa mang lại hiệu quả tối ưu. Chúng vẫn có khả năng sống sót và gây hại trở lại sau khi sử dụng thuốc BVTV.

Chi cục TT&BVTV khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV trừ rầy phấn trắng, chỉ phun thuốc khi rầy có mật số cao (trên 30 con/chồi). Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo đủ lượng nước sử dụng. Khi phun, vòi phun cần đưa xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với ấu trùng rầy phấn trắng, có thể sử dụng chất bám dính nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng. Nên luân phiên các loại thuốc với hoạt chất khác nhau để tránh việc rầy kháng thuốc.

Ngoài ra, cần chú ý thêm các đối tượng khác, như: Vàng lá chín sớm (do nấm), cháy bìa lá (do vi khuẩn) và đạo ôn cổ bông để quản lý tốt dịch hại, bảo vệ thắng lợi vụ lúa đông xuân.

NGÔ CHUẨN