Tất bật vụ dưa hấu Tết

17/01/2022 - 05:15

 - Thời điểm này, nông dân ra sức chăm bón, chuẩn bị cho ngày xuất bán dưa hấu dịp Tết, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như chưng Tết của người dân. Bao giờ cũng vậy, ước mong của nông dân nói chung và bà con trồng dưa hấu bán Tết nói riêng là luôn “trúng mùa, được giá” để gia đình đón năm mới đầm ấm, hạnh phúc, dư dả.

Tháo gỡ nỗi lo về giá

Xã Vĩnh Thành là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn của huyện Châu Thành (tỉnh An Giang), với gần 20ha cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán. Hầu như nông dân sản xuất dưa hấu quanh năm. Vụ này vừa xong là vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Thời điểm Tết, ngoài loại dưa bán để ăn còn thêm giống dưa chưng Tết, đủ mọi kích cỡ, phù hợp nhu cầu của khách hàng. Để chuẩn bị vụ bán Tết, nông dân thường chủ động xuống giống từ giữa đến cuối tháng 10 (âm lịch). Sau 2 tháng, dưa hấu sẽ được nông dân thu hoạch lai rai từ dịp rằm đến khoảng 23 tháng Chạp.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Vĩnh Thành Võ Văn Vũ, nông dân của HTX canh tác dưa hấu rất nhiều, tập trung ở ấp Trung Thành, bán ra thị trường quanh năm. Riêng vụ dưa hấu Tết năm nay, nông dân canh tác khoảng 5-7ha, giảm so với năm rồi, chủ yếu là trồng giống dưa hấu trái dài, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Nguyên nhân là do năm 2021, giá dưa hấu chưng Tết quá rẻ. Thời điểm cận Tết, giá dưa tại ruộng còn từ 2.000-3.000 đồng/kg, nông dân lỗ vốn. Vụ dưa Tết năm nay, đa phần bà con không còn mặn mà canh tác dưa hấu chưng, thay vào đó tập trung vào dưa ăn. “Từ rằm tháng Giêng trở đi thì sản lượng thu hoạch sẽ tăng nhiều, vì đa phần bà con “né” vụ Tết. Cách sản xuất rải vụ ở những tháng tiếp theo như vậy tránh trường hợp bị dội chợ, mất giá, thua lỗ” - ông Vũ cho hay.

Nông dân mong chờ một vụ dưa Tết được mùa, được giá

Hiện nay, diện tích trồng dưa hấu của HTX nông nghiệp xã Vĩnh Thành chuyển dần canh tác theo hướng hữu cơ. Một phần do chi phí phân bón tăng gấp đôi, gấp ba so với mọi năm. Nếu canh tác như trước, cuối vụ, trả tiền vật tư nông nghiệp xong, nông dân xem như hòa vốn. Đó là chưa kể, nếu bán giá thấp, bà con chỉ có nước lỗ vốn do phải gánh chịu chi phí sản xuất và thuê đất. Mặt khác, canh tác hữu cơ sẽ giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng, thị trường khó tính, như: Siêu thị, cửa hàng nông sản sạch… Như vậy, giá cả sẽ ổn định, có lợi nhuận cao hơn.

Ông Vũ cho biết, thời điểm gần Tết, thương lái mua giá cả ổn định, nông dân sẽ bán tại vườn. Còn nếu bị “ép” giá, mọi người bàn nhau thu hoạch, chở xuống chợ bán. Bán tận tay người tiêu dùng, không thông qua khâu trung gian, nông dân sẽ có đồng lời cao hơn. “Mọi năm, thương lái tới ruộng mua dưa hấu với giá 3.000-4.000 đồng/kg, khi ra tới chợ, họ bán từ 10.000 đồng/kg trở lên. Biết rằng, mua đi bán lại thì phải có lời, nhưng nếu giá hợp lý để đôi bên cùng có lợi, thì chuyện hợp tác sẽ được lâu dài” - ông Vũ chia sẻ.

Chú trọng kỹ thuật, nâng cao chất lượng

Anh Huỳnh Công Quyển (nông dân trồng dưa hấu ở xã Vĩnh Thành) là một trong những người tiên phong đưa dưa hấu lên giàn, canh tác trong nhà lưới. Kinh nghiệm canh tác lâu năm, cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới đã giúp anh tạo ra năng suất dưa hấu cao, chất lượng ổn định so với canh tác truyền thống. Chuẩn bị cho vụ dưa Tết năm nay, anh Quyển xuống giống từ những ngày cuối tháng 10 (âm lịch), dự kiến thu hoạch vào khoảng 23 tháng Chạp. 2 công đất trồng dưa hấu không hạt (giống Mặt trời đỏ) được trồng trong nhà lưới, năng suất dự kiến khoảng 8 tấn, đã được thương lái liên kết thu mua từ đầu vụ.

Ngoài trọng lượng đạt yêu cầu, việc đưa dưa hấu lên giàn, làm giá treo giúp dưa đảm bảo được màu sắc tươi tắn, đẹp. Ngoài ra, dưa hấu ngọt, phù hợp để ăn và chưng Tết, có thể bảo quản được trong thời gian lâu. “Năm nay, nông dân khổ đủ đường, phân bón, giá hạt giống tăng. Bởi vậy, bà con tìm nguồn phân hữu cơ (như: Phân bò, phân chuồng) để bổ sung thêm, nhằm cải tạo đất, tăng chất dinh dưỡng. Mong là khi nâng cao năng suất, chất lượng, giá bán sẽ cao hơn, giúp thu nhập ổn định hơn, mọi người đón một cái Tết đầm ấm” - anh Quyển tâm sự.

Cứ vào thời điểm cận Tết, chị Phạm Thị Như (Trung tâm Khuyến nông huyện Châu Thành) tất bật chuẩn bị cho vụ dưa hấu bán Tết. Trong quá trình đi địa bàn, chị Như hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật mới cho nông dân địa phương. Sẵn mối quan hệ, nhà có mặt bằng mua bán, chị Như liên kết với nông dân trồng dưa hấu trong huyện để đặt hàng cung ứng ra thị trường vào dịp Tết. Năm nay, chị liên kết nông dân, canh tác 2 giống dưa không hạt (Mặt trời đỏ, Lộc Phát) với diện tích 8.000m2. Dự kiến, khoảng 25 tấn dưa sẽ được tung ra thị trường vào dịp Tết.

“Nông dân trồng dưa bán Tết liên kết với tôi đều là những người giàu kinh nghiệm. Bà con hướng đến canh tác hữu cơ, an toàn; chất lượng dưa hàng năm đều rất đảm bảo. Thịt dưa chắc, ngọt, màu sắc tươi mới, mọi người mua chưng mấy ngày Tết, ăn rất ngon. Từ khoảng 23 tháng Chạp, nông dân bắt đầu thu hoạch dưa hấu để tập kết tại nhà, vừa bán tại chỗ, vừa đi giao cho khách. Khi làm ăn uy tín, dưa hấu bán Tết được khách hàng cũ, mới ủng hộ nhiệt tình, bà con hết hàng sớm, vui vẻ đón năm mới” - chị Như chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN