Bỏ lương cao về quê bén duyên với nghề nuôi ong
Dù đã có hẹn từ trước nhưng hôm phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN vào đúng lúc Đủ đang có rất nhiều khách ở xa đến xem ong và mua mật.
Chàng cử nhân trẻ Nguyễn Văn Đủ (xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) từ bỏ công việc lương cao để về quê nuôi ong lấy mật.
Hết người này rồi đến người khác đến xem nên khung cảnh rất nhộn nhịp. Chàng cử nhân kinh tế này nuôi rất nhiều ong, đâu đâu cũng thấy ong, từ trong nhà ra đến ngoài vườn, đếm mỏi tay không biết cụ thể bao nhiêu tiền.
Bên chén trà nóng, Đủ kể, tốt nghiệp Đại học Vinh năm 2017, Đủ xin vào làm cho một công ty chuyên về men thú ý. Sau một thời gian dài miệt mài phấn đấu, chăm chỉ, sáng tạo trong làm việc, Đủ được phía công ty trả cho một mức lương thưởng hậu hĩnh, gần 20 triệu đồng/tháng.
Mới ra rường lại có công việc ổn định, lương cao nên mọi người ai cũng mừng cho Đủ, bố mẹ ở quê cũng được nở mày nở mặt. Bạn bè cùng trang lứa ngưỡng mộ, lấy Đủ để làm mục tiêu phấn đấu, thậm chí nhiều người còn ghen tỵ.
Nhưng gắn bó được hơn 1 năm tại công ty chuyên về men thú y, chẳng nói chẳng ràng, Đủ quyết định xin nghỉ việc, rồi bỏ về quê làm những điều không ai tưởng.
Nhiều người ai cũng nghĩ rằng, Đủ kiếm được cái mối nào đó ngon hơn nên mới nhảy việc. Nhưng khi thấy Đủ bào về quê nuôi ong lấy mật, khiến người thân ngỡ ngàng, ai cũng tiếc cho Đủ lương tháng gần 20 triệu đồng lại bỏ về làm nông dân.
Mỗi năm đủ khai thác được trên 3 tấn mật ong các loại, mang về cho chàng nông dân Nguyễn Văn Đủ doanh thu khoảng 500 triệu đồng.
Chia sẻ về quyết định này, Đủ cho biết, trong thời gian làm ở công ty, anh có dịp được đến khảo sát nhiều nơi, biết nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao, trong đó có mô hình nuôi ong lấy mật. Trong khi đó ở địa phương anh có nhiều điều kiện lý tưởng cho phát triển nghề khai thác mật ong - có thể khai thác được nhiều vụ mật khác nhau.
"Năm tôi quyết định xin nghỉ cũng là năm giá lợn hơi xuống dốc không phanh, dẫn đến doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng, lương thưởng bấp bênh nhưng lại chịu nhiều áp lực. Sau nhiều hôm suy nghĩ, tôi quyết định xin nghỉ việc về quê nuôi ong mật.
Dù sao nuôi ong nếu làm tốt thu nhập cũng không tệ, trong khi đó tôi lại là người quá hiểu rõ về con ong mật này. Đặc biệt, ở quê tôi có thể khai thác được hai vụ mật trong năm, trong khi các nơi khác thì chỉ có một vụ, lại không phải vận chuyển ong đi lại gây tốn kém " - anh Đủ tâm sự.
Hiện đủ đang duy trì trên 400 đàn ong để khai thác mật hoa hàng năm.
Với số tiền mà anh tích góp được từ ngày đi làm cho doanh nghiệp với mức lương cao, cuối năm 2018, Đủ bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua hơn 200 đàn ong mật và các trang thiết bị phụ trợ khác.
Nuôi ong tự nhiên một vốn bốn lời
Đủ chỉ nuôi duy nhất giống ong nội (ong bản địa) cho thứ mật ngào ngào và chất lượng nhất, đây cũng là giống ong dễ nuôi, thích nghi tốt với khí hậu ở địa phương.
"Có rất nhiều loại ong khác nhau để khai thác mật, nhưng tôi chọn nuôi con ong nội, vì đây là giống ong có thể nuôi được ở những nơi có nguồn hoa ít và rải rác. Trữ lượng mật hàng năm trung bình mỗi tổ từ 10 -15kg/năm nếu chăm tốt và có nguồn hoa. Rất phù hợp khí hậu khắc nghiệt ở miền bắc (lạnh) và ít bệnh" - Đủ phân tích.
Mật hoa nhãn được Đủ bán với giá 200 ngàn đồng/kg, đây là loại mật có giá trị cao nhất và được thị trường ưa chuộng.
Dù chân ướt chân ráo với con ong, nhưng nhờ sự chịu khó tìm tòi học hỏi, sự giúp đỡ từ người bố có kinh nghiệm vài chục năm trong nghề nên Đủ không gặp chút khó khăn nào. Từ 200 đàn ong ban đầu, sau một năm Đủ đã phát triển đàn ong lên tới trên 400 đàn, những lúc cao điểm lên tận 500 đàn.
Với số ong này, trung bình mỗi năm Đủ khai thác được khoảng 3 tấn mật các loại, chủ yếu gồm 2 loại mật chính là mật hoa nhãn và mật hoa sú vẹt, trong đó mật nhãn có giá trị hơn cả.
Những lúc rảnh rỗi, Đủ tranh thủ tự đóng thùng nuôi ong để giảm chi phí đầu tư.
Mỗi kg mật hoa nhãn, Đủ bán tại nhà mới giá 200 ngàn đồng/kg, đối với mật hoa sú vẹt thì chỉ bán với giá là 100 ngàn đồng/kg. Chỉ từ việc bán mật ong, mỗi năm chàng cử nhân trẻ này có doanh thu mỗi năm lên tới nửa tỷ đồng.
Ngoài ra, Đủ còn nhiệt tình chia sẻ kĩ thuật nuôi ong lấy mật cho sản lượng cao cho nhiều gia đình khác trong và ngoài tỉnh. Đồng thời bán thêm ong giống cho người nào có nhu cầu, nhiều năm nay, cơ sở nuôi ong của Đủ đã trở thành địa chỉ bán ong giống uy tín của nhiều người.
Trung bình, mỗi năm Đủ cung cấp cho thị trường ong giống từ 300 -400 đàn, mỗi đàn khoảng 3 cầu với giá 800 ngàn/thùng.
"Tổng doanh thu từ bán mật và ong giống, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí tôi lãi ròng khoảng 500 triệu đồng/năm" - Đủ tiết lộ.
Đủ tâm sự, ở địa phương anh có rất nhiều lợi thế cho nghề khai thác mật ong, có diện tích nhãn vải lớn, đặc biệt lại có thêm rừng ngập măn sú vẹt. Vì vậy sau khi kết thúc vụ mật hoa nhãn vãi, có thể khai thác thêm một vụ mật hoa sú vẹt nữa, vừa khỏe ong lại mang về thêm kinh tế.
Nhờ nuôi ong, mỗi năm chàng cử nhân này có thu nhập khủng lên tới nửa tỷ đồng.
Hiện nay, Đủ cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu mật ong cho riêng mình, với hai sản phẩm chính là mật ong nhãn và mật ong vẹt. Đây là hai loại mật được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao và rất dễ tiêu thụ.
Từ những quyết định mà mọi người cho là "khùng", sau một thời gian kiên trì và phấn đấu, đến nay Đủ đã chứng minh cho mọi người thấy con đường mình chọn quay lại làm nông dân là đúng.
Nhưng có lẽ điều làm cho Đủ vui nhất đó là có thể làm giàu trên mảnh đất mình sinh ra và làm ra những giọt mật hoa sạch, tinh túy nhất của đất trời, tốt cho sức khỏe mọi người.
Theo PHẠM QUÂN (Dân Việt)