Thanh niên nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp

18/02/2020 - 07:38

Với niềm đam mê, lại không ngại khó, ngại khổ, nhiều bạn trẻ ở các vùng nông thôn đã mạnh dạn khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Các mô hình khởi nghiệp chắc hẳn sẽ phải đương đầu với không ít thách thức. Tuy nhiên, qua đó lại mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp nâng cao những sản phẩm, nông sản của địa phương.

Khép kín quy trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đến sản phẩm “Trà mãng cầu Thanh Nam” là mục đích mà Nam đang hoàn thiện

Là con nhà nông, bạn Hồ Thanh Nam (xã Định Thành, Thoại Sơn) chứng kiến và hiểu những khó nhọc của người nông dân, nhất là những lúc nông sản giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ. Vậy là, với vườn mãng cầu rộng 1,7ha của gia đình, không chỉ bán trái tươi mà Nam còn mạnh dạn cho ra sản phẩm “Trà mãng cầu Thanh Nam”, góp phần nâng giá trị trái mãng cầu xiêm. Hiện nay, bằng nhiều cách tiếp cận thị trường như: tham dự hội chợ, các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, sản phẩm “Trà mãng cầu Thanh Nam” đã và đang được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. “Từ trước đến nay, mãng cầu xiêm chủ yếu được dùng để ăn tươi, thời gian gần đây có người dùng trái mãng cầu còn sống để sắc uống với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh, vì mãng cầu tươi không bảo quản được lâu. Thấy vậy, mình bắt tay vào nghiên cứu rồi cho ra ý tưởng kinh doanh, vì đây là một sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người” - Nam chia sẻ.

Khi tính toán về nguồn nguyên liệu, ngoài vườn mãng cầu của gia đình có thể cung ứng trái quanh năm, Nam đã liên kết với một số hộ đã từng mua cây giống của mình để thu mua trái. Theo đó, những nông dân tham gia liên kết sản xuất với Nam đều được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn để có được nguồn nguyên liệu sạch làm trà, như: kỹ thuật bao trái, sử dụng phân hữu cơ... Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, bạn Nam đã nghĩ ngay đến việc phải xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới tiêu chuẩn VietGAP. Song song đó, phát triển thương hiệu Trà mãng cầu Thanh Nam ngày càng đa dạng như: trà mãng cầu xiêm túi lọc, trà mãng cầu xiêm kết hợp với các loại thảo dược khác nhau… và các sản phẩm khác từ trái mãng cầu xiêm: mứt mãng cầu xiêm, mãng cầu xiêm sấy dẻo, nước ép mãng cầu xiêm… "Hiện nay, đang là mùa thuận của mãng cầu, thời tiết nắng tốt, mình có thể cho sấy trà nhiều hơn, trữ nguyên liệu lại để đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường" - Nam thông tin. Với vườn mãng cầu hiện đang cho trái, ngoài một số để bán trái tươi thì phần nhiều để làm trà và mứt mãng cầu.

Hiện nay, Nam đã và đang tiến đến hoàn thiện sản xuất sạch theo quy trình khép kín, nhằm tạo được sản phẩm an toàn cung ứng đến tận tay người tiêu dùng. Mới đây, Nam còn đầu tư hẳn một nhà sấy bằng năng lượng mặt trời để chuyên sấy mãng cầu với diện tích 40m2, công suất khoảng 200kg/mẻ sấy. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, Nam còn nghiên cứu, thử nghiệm với sản phẩm cóc sấy dẻo. Nguồn nguyên liệu là những cây cóc Thái được trồng xen canh vườn mãng cầu. Nguyên liệu sẵn có, lò sấy sẵn sàng, vậy là món cóc sấy dẻo ra mắt và được thị trường ưa thích ngay. Hiện nay, Nam còn xây dựng vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ cung cấp khi thị trường cần, đó là vừa cung cấp cây giống, cam kết thu mua trái cho những hộ trồng ở địa phương nên bà con rất an tâm. “Khi bắt tay vào khởi nghiệp với sản phẩm trà mãng cầu, cóc sấy dẻo đều xuất phát từ việc có thể giúp bà con tiêu thụ được nông sản. Khi mình đa dạng được các sản phẩm từ nông sản, sẽ phần nào tránh khỏi việc dội chợ, mất giá, đó là nỗi lo muôn thuở với nông dân mình, trong đó có gia đình của Nam”- Nam chia sẻ.

Hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, nhất là đối với những người trẻ, ngoài vốn, kinh nghiệm, còn khá nhiều vấn đề khiến không ít bạn trẻ nản lòng. Tuy vậy, vẫn còn những thanh niên kiên quyết bám trụ và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tin rằng, với sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp cùng sự năng động, nhạy bén, hành trình khởi nghiệp của thanh niên sẽ bớt gian nan và chạm đến thành công.

ÁNH NGUYÊN