Thêm mô hình thiết thực đưa vào nhà trọ công nhân

11/04/2023 - 05:51

 - Sau mô hình "Tổ tự quản nhà trọ công nhân", thành lập chi hội thanh niên công nhân, mới đây, các nhà trọ tập trung đông người lao động (NLĐ) đã có thêm mô hình mới do Nhà Văn hóa lao động tỉnh An Giang thực hiện: Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân”. Mô hình được nghiên cứu và đưa vào thực hiện đã tạo thêm sân chơi cùng với các hoạt động chăm lo về đời sống tinh thần, được công nhân đón nhận tích cực.

Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” khởi động thành công với sự đón nhận tích cực của người lao động tại nhà trọ

Điểm đầu tiên chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” thực hiện là tại nhà trọ Kim Anh (huyện Châu Thành), có hơn 100 công nhân tham dự. Buổi sinh hoạt khởi động bằng tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn” do công nhân ở nhà trọ biểu diễn. Kế đến, mọi người được tuyên truyền pháp luật, thông tin một số nội dung về phòng, chống "tín dụng đen".

Lồng ghép trong chương trình còn có gameshow hỏi đáp để trắc nghiệm lại các kiến thức vừa được phổ biến. Dịp này, Nhà Văn hóa lao động tỉnh và Tổ chức tài chính vi mô CEP đã hỗ trợ quà cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình khép lại với nội dung bốc thăm trúng thưởng các phần quà giá trị, tạo không khí náo nhiệt và phấn khởi.

Trong các nội dung được thông tin, tuyên truyền, chủ nhà trọ và công nhân đều chú ý nhiều nhất đến "tín dụng đen". Đây đang là vấn đề nổi cộm, gây ảnh hưởng xã hội, nhất là những người đang vướng phải "tín dụng đen" mà không có cách nào đối phó. Bên cạnh trang bị hiểu biết về các thủ đoạn, chiêu trò, hậu quả… của "tín dụng đen", công nhân còn được giới thiệu các nguồn vốn vay uy tín, ưu đãi dành cho lao động thu nhập thấp.

Điển hình tại buổi tuyên truyền, anh Phạm Thanh Tú (công nhân Công ty TNHH Apparel) là trường hợp được giải ngân vay 20 triệu đồng từ Tổ chức tài chính vi mô CEP - chi nhánh TP. Long Xuyên. Anh Tú và vợ đều làm công nhân, nhà ở xã Phú Hưng (huyện Phú Tân). Sau 2 năm ổn định công việc và thu nhập, anh trích số tiền tích góp và vốn vay để sửa chữa căn nhà ở quê.

Giám đốc Nhà Văn hóa lao động tỉnh An Giang Phan Thị Diễm cho biết, trước đây, các nhà trọ đã được tổ chức công đoàn đưa vào mô hình “Tổ tự quản nhà trọ công nhân” với mục đích quản lý lực lượng đoàn viên, công nhân lao động đang ở trọ giữ gìn an ninh trật tự. Để chăm lo thiết thực hơn cho NLĐ, mô hình “Đến với nhà trọ công nhân” là một hình thức thiên về đời sống tinh thần, tạo không khí vui tươi, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi của công nhân. Đây là dịp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của anh, chị, em công nhân về những nhu cầu trong công việc, đời sống, sự sẻ chia ở công ty hoặc môi trường họ đang sinh hoạt. Từ đó, đơn vị đề xuất với chính quyền địa phương, chủ sử dụng lao động có các giải pháp tháo gỡ, giải quyết thỏa đáng.

Hình thức sinh hoạt mới không chỉ mang đến bầu không khí vui tươi, náo nhiệt, mà còn giúp công nhân gần gũi, cởi mở hơn khi chia sẻ những vấn đề đang bức xúc. Đối với công nhân, họ mạnh dạn trình bày những mong muốn, kiến nghị mà bình thường nếu ở công ty sẽ e ngại lên tiếng. Với đơn vị tổ chức, họ nhận thấy sự thuận tiện, dễ dàng lắng nghe NLĐ nhiều hơn, sâu sát hơn.

“Một ngày làm việc thường lệ của công nhân bắt đầu từ sáng sớm đến tận chiều. Buổi tối có người còn tăng ca nên ít có dịp gặp nhau. Chỉ những dịp như thế này công nhân mới có thể gần bên nhau, hỏi thăm về công việc, đời sống...” - anh Phạm Thanh Tú chia sẻ. Từ sự thiết thực đem lại, các nội dung của chương trình đã được công nhân lao động đón nhận với tinh thần phấn khởi, tạo được động thái tích cực để tiếp tục tổ chức các điểm kế tiếp trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Phan Thị Diễm, sự hưởng ứng của NLĐ khi tham dự buổi sinh hoạt đầu tiên cho thấy mô hình đã đáp ứng đúng mong đợi, nhu cầu của họ. Hình thức này cũng dễ thu hút công nhân lao động tham gia hơn so với việc đưa các nội dung vào doanh nghiệp (do ảnh hưởng giờ giấc sản xuất, việc tập hợp công nhân). Theo kế hoạch, chương trình sẽ tổ chức mỗi quý 1 lần, lần lượt tại các địa bàn có đông công nhân lao động ở trọ, như: Huyện Châu Thành, Thoại Sơn, TP. Long Xuyên. Đây là món ăn tinh thần mới dành cho công nhân lao động để họ được thư giãn, nâng cao kiến thức, thêm gắn kết bên nhau sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Hiện nay, các khu công nghiệp hoặc công ty quy mô sản xuất lớn đang thu hút rất đông công nhân làm việc. Trong đó, có hàng ngàn lao động đến từ các huyện lân cận phải ở trọ. Vấn đề an ninh trật tự, ý thức chấp hành pháp luật và đời sống tinh thần của công nhân được các cơ quan, chính quyền rất quan tâm.

Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân” nhằm đổi mới hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong công nhân lao động. Đúc kết từ các mô hình tương tự đã đưa vào nhà trọ sinh hoạt, nội dung của chương trình được xây dựng tuyên truyền ngắn gọn, liên quan trực tiếp đến đoàn viên và NLĐ. Nhất là các nội dung vui gameshow, hát với nhau đã góp phần kết nối NLĐ trong một môi trường chung thêm đoàn kết, quan tâm và giúp nhau tiến bộ.

MỸ HẠNH