Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị 16

06/04/2020 - 19:39

Thủ tướng yêu cầu không chủ quan trước việc có ít ca nhiễm mới, yêu cầu tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15-4.

Chiều nay, 6-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19. Thủ tướng yêu cầu không chủ quan trước việc có ít ca nhiễm mới và yêu cầu tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15-4. Phụ thuộc vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương về vấn đề này.

Tiếp tục cách ly xã hội 

Tại phiên họp, Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là các y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, truyền thông và thông tin đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch; đánh giá cao các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng và có hiệu quả, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tích cực thực hiện cách ly xã hội, giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Trong bối cảnh cả nước nỗ lực chống dịch, Thủ tướng biểu dương những tấm lòng nhân ái, nhường cơm sẻ áo với nhiều lực lượng tuyến đầu chống dịch. Một phong trào tương thân tương ái rộng rãi trong nhân dân, được nhân dân nhiệt tình tham gia ủng hộ bằng nhiều hình thức. 

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Thủ tướng cho rằng, những kết quả tích cực này chính là sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, là tiền đề để dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta tiếp tục thực hiện được các nhiệm vụ lớn lao hơn của đất nước. 

Tuy vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan trước kết quả ban đầu: “Dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Chúng ta đều thấy nhiều quốc gia đang phải gánh chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì vậy để bảo toàn lực lượng và kết quả ngăn chặn dịch từ xa và ngay trong cộng đồng các địa phương lớn trong cả nước đều thống nhất cần phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, phải thực hiện nghiêm để giữ vững thế chủ đông chống dịch. Chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị. Hay nói cách rõ hơn, khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh và hạn chế số ca tử vong”.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất máy thở

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo trong vòng 10 ngày tới, cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương, ngành y tế, cần bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh các tình huống, kịch bản để chuẩn bị cho cả tình huống làn sóng thứ hai lây nhiễm Covid-19 như nhiều nước đang rất vất vả đối phó. Đây là kinh nghiệm để chúng ta chủ động, phòng chống dịch. 

Đặc biệt là phải phải phát hiện kịp thời các F0, truy tìm những người có nguy cơ lây nhiễm từ các ổ dịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; kiểm soát chặt chẽ để không tập trung đông người, gồm cả các nơi thờ tự, tôn giáo, các siêu thị...

Thủ tướng yêu cầu: “Chính vì thế, chúng ta phải chuẩn bị tốt và hoàn thiện phương án bệnh viện dã chiến để không bị động nếu tình huống xấu dịch xảy ra. Yêu cầu Ban Chỉ đạo tập trung nắm tình hình, triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả như xét nghiệm gì, công nghệ nào, thuốc gì... chuẩn bị nguồn lực, giám sát, đánh giá điều phối các nguồn lực cho các địa phương, cần thiết báo cáo cho Thủ tướng Chỉnh phủ. Hướng dẫn, đào tạo, tăng cường nhân lực y tế cho các địa phương, hỗ trợ công nghệ kiểm soát dịch bệnh. Bộ Y tế không chỉ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể về vấn đề này... mà còn trực tiếp giải quyết một số vấn đề đi sâu vào chuyên môn.

Các địa phương cần làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly xã hội, nhằm làm chậm không để dịch lây lan ra cộng đồng. Nếu chúng ta ngăn chặn được lây lan trong cộng đồng không tạo ra ổ dịch lớn thì sẽ không có đỉnh dịch, không thiệt hại về người và sức khỏe cho nhân dân”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các địa phương có dịch xuất hiện cần tăng cường xét nghiệm sớm nhất cho các đối tượng có nguy cơ. Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, công nhân đông thì cần thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch, không để lây nhiễm trong lực lượng này.  

Về máy thở, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có chương trình sản xuất máy thở và hiện có hai đơn vị sẵn sàng sản xuất thiết bị quan trọng trong điều trị bệnh về phổi này. Chính phủ sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất máy thở. 

Đánh giá cao các cơ quan truyền thông thời gian qua tích cực trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, Thủ tướng đề nghị, các cơ quan báo chí, truyền thông phải trở thành nơi đào tạo cho người dân những kiến thức để tự bảo vệ mình. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, y tế quan tâm các phóng viên, nhà báo nỗ lực tuyên truyền chống dịch, tránh rủi ro lây nhiễm.  

Nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có thể tính toán xuất khẩu khẩu trang vải, xuất khẩu gạo có kiểm soát, phổ biến các phần mềm chống dịch cho các nước có yêu cầu và yêu cầu các bộ, ngành xúc tiến hoạt động này. 

Những tiến bộ chống dịch diễn ra từng ngày như thuốc mới, công nghệ mới, tiến bộ mới trong điều chế vắc xin..., Thủ tướng cho rằng, cần thành lập chuyên gia tại Bộ Y tế theo dõi, phân tích thông tin, đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Chính phủ. Bộ Y tế cũng phải có biện pháp huy động, lắng nghe các ý kiến và cảm ơn các nhà khoa học có đóng góp trí tuệ, công sức cùng đất nước chống dịch.  

Về việc một số địa phương có thu phí, Thủ tướng yêu cầu phải hết sức cân nhắc vấn đề này. 

Chống dịch phải chống cả phá sản

Cùng với các giải pháp về an sinh xã hội, quan tâm đến người nghèo, người khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chống dịch nhưng cũng phải chống doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc. Theo đó, cần quan tâm đến khó khăn của người dân bằng nhiều kênh khác nhau để có sự hỗ trợ kịp thời. Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đảm bảo an ninh trật tự.

Nhấn mạnh đại dịch gây nhiều thiệt hại, nhưng Thủ tướng cho rằng cũng có nhiều cơ hội. Do đó, các ngành, cấp, doanh nghiệp và người dân phải tập trung khai thác các cơ hội như đổi mới phương thức hoạt động, các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, sự thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các giao dịch, hoạt động. 

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15-4. Phụ thuộc vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương về vấn đề cách ly xã hội. Trên cơ sở tình hình cụ thể dịch bệnh, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 có đề xuất cụ thể với Thủ tướng.

Theo VŨ DŨNG (VOV)