Theo đó, mức thuế được áp cho 2 doanh nghiệp (DN) bị đơn (bắt buộc) của Việt Nam (trong đợt xem xét lần này) là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods. Hai công ty này phải chịu mức thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ ở mức 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Riêng 9 DN còn lại có sản phẩm fillet xuất vào thị trường Mỹ, phải chịu mức thuế 3,78 USD/kg.
“Qua theo dõi diễn biến việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam trong 13 năm vừa qua, điều dễ nhận thấy là mức thuế mà Mỹ áp cho các sản phẩm fillet đông lạnh của các DN Việt Nam ngày một tăng và lần thứ 13 này là lần có mức thuế áp cao nhất. Với mức thuế như vậy, sản phẩm cá tra đông lạnh của Việt Nam sẽ khó có cơ hội phục vụ người tiêu dùng Mỹ…” - ông Quách Văn Tâm (xã Hòa Lạc, Phú Tân) chia sẻ.
Gia đình ông Tâm có gần 20 năm sống với nghề nuôi cá tra xuất khẩu (XK). Động thái áp đặt thuế của Mỹ đã làm ông hoàn toàn thất vọng. Với 4ha ao nuôi cá tra, ông đang tính chuyển đổi sang nuôi cá thát lát cườm để hạn chế rủi ro. Câu chuyện chống bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ đã gây cho ông nhiều bức xúc.
“Trong những lần trước, Mỹ lấy các nước Bangladesh và Indonesia là nước thứ 3 để so sánh, nay DOC đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn, trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng không được xem xét hồ sơ, đồng thời bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng…” - ông Tâm bức xúc.
Cùng với thuế chống bán phá giá, Mỹ đang áp dụng Luật Farm Bill để xem xét điều kiện sản xuất tương đồng. Như vậy, đối với cá tra khi xuất vào thị trường Mỹ, sản phẩm này phải chịu cảnh “1 cổ 2 trồng”.
Việt Nam có 62 DN đăng ký xuất khẩu cá tra sang Mỹ, nhưng đến nay có chưa tới 10 DN XK sản phẩm vào thị trường này; trong số những DN nêu trên, chỉ có 3 DN có giá trị XK lớn, điều này cho thấy XK sản phẩm cá tra đông lạnh vào Mỹ không phải dễ.
“Mỹ là 1 trong 3 thị trường lớn của Việt Nam. Trước năm 2017, Mỹ là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 22% tổng kim ngạch XK cá tra cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thị trường Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành thị trường XK cá tra lớn nhất trong năm 2017 đạt 410,9 triệu USD, tăng 34,8%. Như vậy, không có thị trường Mỹ, các DN Việt Nam có thị trường khác để thay thế” - ông Lê Chí Bình, Ủy viên Thường trực Hiệp hội cá tra Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Bình để ngành nuôi và chế biến cá tra XK phát triển ổn định và bền vững, các DN XK cá tra Việt Nam cần tính toán việc ổn định sản lượng hàng năm khi xuất sản phẩm vào thị trường này, tuyệt đối tránh gia tăng sản lượng mang tính “đột biến”. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần đa dạng sản phẩm lẫn thị trường XK để phục vụ người tiêu dùng trên thế giới ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Từ kinh nghiệm ở thị trường Mỹ, đối với thị trường Trung Quốc không nên tập trung quá nhiều để tránh rủi ro.
Trong hơn 20 năm nuôi và chế biến XK cá tra, sản phẩm fillet đông lạnh của các DN Việt Nam đã có mặt ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang kim ngạch về cho cả nước trong năm 2017 là 1,78 tỷ USD.
Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, tuy nhiên nếu nhìn thấu đáo thì ngành nuôi và chế biến cá tra rất cần một sự liên kết; ở đó vai trò quản lý Nhà nước cần chặt chẽ hơn, xem xét những DN làm thương mại trên mặt hàng này mà không có nhà máy chế biến, bởi đây là lực lượng gây bất ổn trên thị trường.
“Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng khi xác định được 3 điều kiện: thứ nhất hàng nhập khẩu bị bán phá giá; thứ hai ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể; thứ ba có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và những thiệt hại vừa nêu. Việc đánh thuế chống bán phá giá là nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước”- Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư An Giang khẳng định.
|
MINH HIỂN