Tích cực xây dựng xã hội học tập vì mục tiêu phát triển toàn diện

17/12/2019 - 08:01

 - Xây dựng xã hội học tập (XHHT) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần gắn kết và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Tích cực xây dựng xã hội học tập vì mục tiêu phát triển toàn diện

Học tập và học tập suốt đời góp phần phát triển quê hương, đất nước

Ngày nay, để xây dựng XHHT, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của ngành giáo dục và đào tạo, Hội Khuyến học, sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong hệ thống chính trị, các tổ chức và lực lượng xã hội là điều rất quan trọng, góp phần xây dựng XHHT trong toàn thể nhân dân. Ở tỉnh ta, lãnh đạo địa phương, các ngành, các cấp xác định xây dựng XHHT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho người dân sống tốt và hạnh phúc hơn, phát huy mọi khả năng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Người dân có cơ hội được học tập suốt đời, học tập để làm người công dân tốt, có tay nghề lao động với hiệu quả ngày càng ao, góp phần phát triển quê hương đất nước. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, góp phần ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển nguồn nhân lực.

Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 247.567 Gia đình học tập (đạt tỷ lệ 45,69% so với hộ gia đình toàn tỉnh), công nhận 581 Dòng họ học tập, 506 đơn vị học tập và 1.017 các khóm, ấp đạt danh hiệu cộng đồng học tập. Có thể xem, xây dựng XHHT là dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường, đặc biệt ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người thiệt thòi. Trong XHHT, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt, có tay nghề, lao động với nâng suất và hiệu quả ngày càng cao. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi: 155/156 xã, đạt tỷ lệ 99,35%; huyện đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi: 11/11 huyện, đạt 100%. Cụ thể, trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày: 32.547/32.688, đạt tỷ lệ 99,57%; số trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non: 32.270/ 32.688, đạt tỷ lệ 98,72%; trẻ 5 tuổi khuyết tật được tiếp cận giáo dục: 9/63 trẻ, đạt tỷ lệ 14,29%. Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học cấp xã đạt mức độ 1: 156/156 phường, xã, thị trấn; PCGD tiểu học mức độ 2: 153/156 phường, xã, thị trấn; PCGD tiểu học mức độ 3: 121/156 phường, xã, thị trấn. Đối với cấp huyện đạt mức độ 1: 11/11 huyện, thị xã, thành phố, mức độ 2: 10/11 huyện, thị xã, thành phố; mức độ 3: 01/11 huyện, thị xã, thành phố. Cấp tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 1. Đối với công tác PCGD THCS, toàn tỉnh đạt mức độ 1 có 155/156 phường xã; mức độ 2: 40/156 phường, xã; không có xã đạt mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1. Nhìn chung, công tác PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi và PCGD tiểu học đã đi vào ổn định. Đối với phổ cập THCS, chuẩn 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS tuy được duy trì đạt theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ, song còn nhiều xã đến nay vẫn đạt mức 1, chưa đạt theo lộ trình đạt chuẩn bền vững đến năm 2020.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hướng đến một XHHT toàn diện, thời gian tới cần có những giải pháp, mục tiêu cụ thể. Đó là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương. Phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể, cùng nhau đẩy mạnh học tập và học tập suốt đời tại cơ quan, đơn vị (ban, ngành, đoàn thể các cấp); phấn đấu năm 2020, PCGD THCS đạt mức bền vững, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học…

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích