Trái cây rớt giá - bài toán cần tháo gỡ

11/01/2022 - 06:33

 - Hiện nay, đầu ra nhiều loại trái cây đang gặp khó. Nhà vườn cho biết, trái cây đến ngày thu hoạch vẫn khó tìm thương lái hoặc bị ép giá, bán rẻ...

Chanh loại nhỏ giá tại chợ 7.500 đồng/kg, chanh loại lớn 10.000 đồng/kg; ổi 7.500 đồng/kg; mận 5.000 đồng/kg; xoài 3 màu loại nhỏ (thường gọi xoài cóc) 7.500 đồng/kg, xoài 3 màu loại trái lớn 10.000 đồng/kg; vú sữa tím từ 7.000-15.000 đồng/kg; thanh long 10.000 đồng/kg; nhãn 20.000 đồng/kg; bưởi da xanh ruột hồng 20.000 đồng/kg...

Trong khi đó, trước đây xoài 3 màu loại lớn xuất đi thị trường Trung Quốc và bán các tỉnh giá tầm 30.000-40.000 đồng/kg; nhãn 30.000 - 45.000 đồng/kg; bưởi da xanh ruột hồng 60.000-80.000 đồng/kg. Tại chợ, mít (lột sẵn) chỉ 30.000 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm ngoái giá từ 50.000-55.000 đồng/kg. Chị Thu (chợ Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Tính ra, bán kiểu này lời ít lắm. Mít mua nguyên trái 10.000 đồng/kg. Trái 10kg, lột ra bán múi, tôi lời chừng 20.000-30.000 đồng”.

Nhiều loại trái cây rớt giá tại chợ

Đó là giá khi đến chợ. Còn tại nhà vườn, nhiều nông dân cho biết: Thương lái thu mua giá thấp và lựa hàng rất khó. Một số nơi phải chờ rất lâu mới có thương lái đến hỏi mua. Giá ổi, thanh long, xoài, mận... chỉ 3.000-5.000 đồng/kg. Thương lái giải thích do ảnh hưởng dịch bệnh, đi lại khó khăn, ách tắc khâu lưu thông, xuất khẩu... nên giá nông sản xuống thấp. Trừ hao hụt do hỏng, thất thoát trong vận chuyển, tiểu thương phải bán giá gấp 2-3 lần mới có lãi. Nhưng lắm lúc chợ ế, trái cây hỏng thì huề vốn.

Thời điểm giãn cách xã hội, chính quyền, ngành nông nghiệp đến các hội, đoàn thể... tích cực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Hiện nay, bước vào trạng thái “bình thường mới”, nông dân tự sản xuất, tự tiêu thụ. Trong khi nhiều loại trái cây vào mùa thu hoạch, đầu ra rất chậm. Khi thu hoạch thì khó để lâu được, trái cây rụng cuống, xuống màu, thối... giá càng giảm.

Nhà vườn kỳ vọng sản phẩm ổn định đầu ra, bán được giá

Huyện Chợ Mới là vùng chuyên canh màu, cây ăn trái lớn nhất của tỉnh, đi đầu phát triển diện tích trồng cây ăn trái và nông nghiệp công nghệ cao. Dù địa phương nhiều nỗ lực, song bài toán cung - cầu vẫn gặp vướng mắc. Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng chia sẻ: “Là huyện sản xuất nông nghiệp chủ lực, chúng tôi luôn kỳ vọng sản phẩm không phải phụ thuộc thương lái, không bị động đầu ra, được mùa trúng giá. Địa phương mong muốn phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, đặc biệt là nông sản, trái cây. Hiện nay, huyện có vùng nguyên liệu nông sản lớn. Nếu đưa các sản phẩm này vào hệ thống siêu thị, có thể tăng thu nhập cho nông dân và cung ứng nông sản sạch. Chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản tại địa phương”.

UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch đến năm 2025 chuyển đổi hơn 14.200ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Trong đó, chủng loại cây ăn trái chuyển đổi chủ yếu là chuối, xoài, mít, nhãn, sầu riêng, cây có múi… Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với định hướng quy hoạch và phát triển giống cây trồng ở từng địa phương, đảm bảo năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ. Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục duy trì và khuyến khích diện tích cây ăn trái có hiệu quả, tiến đến hình thành ít nhất 2 vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái liên kết với doanh nghiệp (DN) theo chuỗi giá trị hàng hóa...

Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành nông nghiệp, công thương phải có giải pháp thích hợp, khuyến khích người dân trồng theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP, giảm giá thành nông sản, tăng chất lượng, tính cạnh tranh sản phẩm, đẩy mạnh chế biến nông sản sau thu hoạch. Để giải bài toán cung - cầu, cần hỗ trợ nông dân nguồn giống chất lượng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm; hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi. Từng địa phương cần rà soát, bổ sung sản phẩm chủ lực phù hợp thực tế; có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất (trọng tâm là công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ cây ăn trái).

Các ngành chuyên môn cần thường xuyên dự báo thông tin thị trường cung - cầu. Tăng cường thu hút DN hình thành mô hình, hợp tác xã kiểu mới với sự tham gia đồng hành của DN tại địa phương có tiềm năng về liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có được sự hỗ trợ về nhân sự, tiềm lực vốn, kỹ thuật sản xuất. Tăng cường mời gọi và hỗ trợ DN đầu tư vào dự án sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, tìm kiếm đối tác, DN ngoài tỉnh và nước ngoài đang quan tâm tới lĩnh vực chế biến sản phẩm từ cây ăn trái; đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện khả năng tiêu thụ sản lượng xoài và cây ăn trái của tỉnh.

HẠNH CHÂU