Triển khai mô hình sạ hàng kết hợp vùi phân tại Tri Tôn

30/11/-0001 - 00:00

 - Ngày 16/8, tại thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai mô hình trình diễn vận hành đánh giá hiệu quả sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân, thuộc Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024.

Trình diễn sạ cụm kết hợp vùi phân

Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang Trần Thanh Hiệp; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế, Hội Nông dân, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông các huyện: Tri Tôn, Châu Phú, TX. Tịnh Biên, cùng trên 80 nông dân tham dự.

Tại buổi trình diễn, các đại biểu và bà con nông dân được xem trình diễn máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân tại ruộng mô hình của ông Phan Văng Thắng (khóm Huệ Đức, thị trấn Cô Tô). Máy có chiều rộng băng sạ 3m, với 12 hàng sạ, công suất làm việc 6 - 8ha/ngày. Lượng phân bón sử dụng từ 200 - 220kg/ha, lượng giống 80kg/ha.

So với phương pháp sạ lan truyền thống, lượng giống sử dụng khi sạ cụm giảm từ 100 - 120kg/ha, tiết kiệm 30 - 40% lượng giống, giảm từ 20 - 30% lượng phân bón.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết, mô hình có tác động lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Bón vùi phân cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây lúa ngay từ những ngày đầu sau sạ, đảm bảo nhu cầu khoáng của cây, giúp cây sung sức, đẻ nhánh sớm và tập trung.

Gieo sạ cụm giúp cây lúa tiếp xúc với phân và hút dinh dưỡng dễ dàng, hạn chế mất phân, kích thích rễ lúa ăn sâu, hạn chế lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn, tăng khả năng chịu hạn cho cây lúa.

Việc triển khai mô hình sạ hàng kết hợp vùi phân là một trong những hoạt động hướng đến triển khai có hiệu quả mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tiến tới chi trả tín chỉ carbon cho người trồng lúa. Mô hình trình diễn là cơ hội để đánh giá hiệu quả, nhân rộng ở vùng Tứ giác Long Xuyên.

NGÔ CHUẨN