Triển vọng sản xuất lúa từ phân hữu cơ nano

19/01/2022 - 06:18

Tuy mới triển khai thí điểm 1 vụ, nhưng mô hình sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ nano của nông dân xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Mô hình đã và đang mở ra hướng đi mới cho nông dân, giúp nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, đồng thời hướng đến việc canh tác sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.

Canh tác lúa bằng phân hữu cơ nano

Canh tác lúa sạch

Mô hình ứng dụng phân hữu cơ nano trong canh tác lúa được triển khai thí điểm trong vụ thu đông vừa qua trên địa bàn xã Phú Hiệp, thu hút 10 hộ nông dân tham gia, diện tích xuống giống khoảng 15ha. Giống lúa được sử dụng là Đài Thơm 8 (giống xác nhận), mật độ gieo sạ 150kg/ha. Mô hình được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kinh phí; Công ty TNHH TMDV Nông Phát Đạt bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Phước Minh (nông dân tham gia dự án) cho biết, nhờ được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, nên trong quá trình triển khai gặp nhiều thuận lợi. Cũng nhờ kiến thức tiếp cận ông áp dụng triệt để vào đồng ruộng, lúa cho năng suất cao, chi phí sản xuất thấp hơn diện tích lúa không sử dụng phân hữu cơ nano. Quá trình canh tác, ngoài việc lựa chọn giống lúa xác nhận, nông dân còn phải áp dụng quy trình canh tác do đơn vị thu mua lúa đưa ra.

Theo đó, phân hữu cơ nano được bổ sung vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Lần thứ 1, từ 18-22 ngày sau sạ, lần thứ 2 từ 38-42 ngày sau sạ và lần thứ 3, sau trổ 10-12 ngày, liều lượng sử dụng 15cc/ha/lần. Đối với việc phòng trị cỏ dại, nông dân sử dụng một trong các loại thuốc tiền mọc mầm, nếu còn sót thì dùng thuốc hậu mọc mầm, tùy theo nhóm cỏ xuất hiện.

Ngoài ra, nông dân quản lý dịch hại theo chương trình IPM. Nếu dịch hại vượt ngưỡng, chỉ sử dụng thuốc phòng trừ sinh học theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện  sâu, bệnh gây hại, đặc biệt là các hiện tượng, như: Cháy lá, rầy nâu, đạo ôn... từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.

Sau vụ đầu tiên canh tác theo quy trình mới, ông Minh đánh giá: “Canh tác lúa theo hướng an toàn, sử dụng phân hữu cơ nano giúp giảm lượng phân bón hóa học, giảm lúa giống, giảm giá thành sản xuất. Lợi nhuận mang lại cao hơn so với diện tích lúa không áp dụng mô hình. Đặc biệt, lúa được công ty bao tiêu nên nông dân không phải lo về đầu ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.

Duy trì hiệu quả

Xã Phú Hiệp là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình canh tác lúa sử dụng phân hữu cơ nano. Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ 50% giống lúa Đài Thơm 8, 100% phân bón hữu cơ, phân bón nano và thuốc trừ sâu, bệnh sinh học.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường đánh giá, dự án mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế (năng suất cao hơn diện tích bên cạnh khoảng 2-5%); lúa ít sâu bệnh hơn nên nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất (khoảng 1,6 triệu đồng/ha), lợi nhuận thu về cao (gần 19,7 triệu đồng/ha). Nông dân được an toàn hơn, do ít sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Đặc biệt, sản phẩm được công ty bao tiêu nên nông dân tham gia yên tâm hơn khi thực hiện mô hình.

Ông Lê Hùng Cường kiến nghị: “Mô hình còn mới, Trung ương Hội Nông dân cần tiếp tục hỗ trợ thêm 1-2 vụ, nhằm tạo niềm tin vững chắc cho nông dân. Bên cạnh đó, nông dân sản xuất lúa quy mô nhỏ lẻ, chỉ quen cân lúa tại đồng, thanh toán tiền mặt. Trong khi các công ty thường hợp đồng mua bán với số lượng lớn, thanh toán chuyển khoản. Giữa nông dân và công ty chưa liên kết chặt chẽ, do đó đề nghị hợp tác xã và chi hội nghề nghiệp tiếp tục tham gia hỗ trợ nông dân liên kết với công ty trong việc tiêu thụ nông sản”.

Phân bón hóa học vẫn là một trong những vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, lạm dụng phân hóa học kéo dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Việc ứng dụng sản phẩm phân bón nano giúp cải tạo phần nào ô nhiễm trong đất và nước do thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư... Quá trình cải tạo giúp môi trường đất được hồi phục nhanh, trở về trạng thái tự nhiên ban đầu. Nhờ đó, cây trồng có môi trường phù hợp để phát triển tốt hơn. Việc ứng dụng sản phẩm phân bón nano hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, tạo ra nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người dân.

Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân Lê Phi Hùng cho biết, mô hình mang lại nhiều lợi ích tích cực cho nông dân và môi trường. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục duy trì, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình để tập trung sản xuất diện tích lớn.

ĐỨC TOÀN