Triển vọng từ mô hình nuôi ốc bươu đen

28/12/2021 - 07:11

Ốc bươu đen có đặc tính dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và không đòi hỏi diện tích quá lớn, nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tận dụng mặt ao trong vườn cây ăn trái hoặc xây dựng bể để nuôi. Mô hình bước đầu mang lại tín hiệu khả quan, giúp nông dân thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nuôi ốc bươu đen là mô hình được nhiều nông dân lựa chọn

Kỹ thuật nuôi đơn giản

Tận dụng diện tích mặt nước giữa các liếp trồng chanh bông tím, ông Đặng Thanh Nguyên (ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) thí điểm mô hình nuôi ốc bươu đen 2 vèo, tổng diện tích khoảng 18m2. Dù triển khai chưa lâu, nhưng ông Nguyên đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn với nhiều loại thủy sản khác.

Theo ông Nguyên, ốc bươu đen rất dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, dưới nhiều hình thức, như: Nuôi thả trực tiếp trong ao, nuôi vèo lưới trong mương vườn hoặc nuôi trong bể bạt, mật độ nuôi bình quân từ 1.000 con/m2. Nguồn thức ăn cho loại vật nuôi này rất thông dụng, dễ tìm, chủ yếu là loại rau củ (bầu, bí, mướp, khoai mì), bèo cám... nên không mất nhiều chi phí. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, nông dân không cần dùng đến thức ăn công nghiệp, đảm bảo chất lượng vốn có của chúng. Ốc bươu đen nuôi từ 4-5 tháng có thể xuất bán, trọng lượng đạt từ 30-35 con/kg. Những con ốc to, khỏe mạnh được ông Nguyên giữ lại để tiếp tục nhân giống cho vụ tiếp theo. Quy trình nhân giống khá dễ, ai cũng có thể thực hiện được.

Mặc dù dễ nuôi, nhưng nông dân cần trang bị một số kiến thức cơ bản mới mang lại hiệu quả cao. Để ốc phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, người nuôi chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, nhưng cũng không cho ăn quá nhiều, bởi thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến ốc bị chết hoặc dễ mắc bệnh. Đặc biệt, nguồn nước sạch là tiêu chí quan trọng hàng đầu, đảm bảo ốc sinh trưởng và phát triển. Nông dân phải thay nước thường xuyên để tránh bị ô nhiễm.

Là loài vật có sức đề kháng cao, nhưng ốc bươu đen vẫn mắc một số loại bệnh, như: Ký sinh trùng, sưng vòi, hư vòi... Do đó, người nuôi thường xuyên theo dõi để sớm phát hiện dịch bệnh để có giải pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Đặc biệt, loài vật này chịu nóng kém, mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo. Môi trường quá nóng có thể làm ốc bị chết, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người nuôi.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều chi phí sản xuất, chỉ cần đầu tư 1 lần là có thể sử dụng cho nhiều vụ tiếp theo. Đặc biệt, mô hình không đòi hỏi nhiều diện tích, chỉ cần nguồn nước sạch tự nhiên. Thức ăn của ốc hoàn toàn có thể tận dụng mà không mất chi phí. Ngoài yếu tố dễ chăm sóc, ốc bươu đen hiện dễ tiêu thụ, có đầu ra rộng mở, giá bán khá cao. Vì thế, mô hình này đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Tại huyện Phú Tân, sau khi tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế, anh Lư Thanh Sang (ngụ xã Phú Bình) nhận thấy, ốc bươu đen trở thành đặc sản, ngày càng ít ngoài môi trường tự nhiên. Anh Sang quyết định thả 9.000 con ốc thịt và 1.500 con giống vào ao của gia đình.

Để việc chăn nuôi được thuận lợi, anh Sang tích cực tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trên phương tiện truyền thông để áp dụng vào chăn nuôi. Trong đó, chú trọng kỹ thuật sinh sản, ấp trứng, xử lý nước và tạo môi trường. Theo anh Sang, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, sống trong môi trường không ô nhiễm. Nếu đảm bảo được yếu tố này thì ốc sẽ phát triển mạnh, rút ngắn thời gian chăm sóc, sớm thu hồi vốn. Anh Sang chia sẻ: “Đến thời điểm này, tôi xuất bán được 5 triệu đồng tiền ốc giống và 100kg ốc thương phẩm (giá 50.000 đồng/kg). Mô hình khá dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc mà vẫn đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này”.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ốc bươu đen trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung hạn chế. Do đó, việc chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang nuôi ốc có thể là hướng đi mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, nhất là đối với những hộ không có nhiều đất canh tác.

Ốc bươu đen là động vật thân mềm, chân bụng có vỏ tròn, kích thước trung bình, vỏ màu nâu đen cho đến đen tuyền. Loài vật nuôi này sinh sống ở nơi ẩm thấp (ao hồ, ruộng nước), nguồn thức ăn chủ yếu là thực vật, vi sinh vật trong bùn non. Vào mùa khô, ốc thường vùi sâu vào đồng ruộng nứt nẻ, khi mưa xuống mới mò ra và sinh sôi nảy nở trên mương, ruộng...

ĐỨC TOÀN