Trồng cây có múi ở miền Bắc: Vì sao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyên 5 điều này?

11/11/2020 - 08:30

Không khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây có múi ở những vùng không phù hợp; thay vào đó là tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi để ổn định đầu ra, ưu tiên công tác bình tuyển giống năng suất, chất lượng cao và sạch bệnh…

Đó là ý kiến, đề xuất của các chuyên gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, chủ đề "Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây.

Nhiều vùng trồng cam, bưởi cho lợi nhuận lớn

Thời điểm này, nhiều xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã bắt đầu thu hoạch cam lòng vàng và bưởi các loại. Tại thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (huyện Lục Ngạn), từ sáng sớm đã có nhiều xe tải tới thu mua cam lòng vàng. 

Chia sẻ về bí quyết chăm sóc cam cho mã đẹp, chất lượng cao, bà Trịnh Thị Liễu (ở thôn Đồng Quýt) cho biết: "Phải trồng cam theo quy trình VietGAP, bón phân hữu cơ là chính. Tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ, bởi thuốc sẽ làm chết rễ cây và các vi sinh vật có lợi, lại dễ làm quả bị rám. Người trồng phải chọn cây giống khỏe, sạch bệnh. Cây được trồng trên đất tơi, xốp thoát nước tốt".

Đại biểu thực hiện thao tác quét mã QR tại diễn đàn. Ảnh: T.H

Ông Kim Văn Tiêu đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh phải đóng vai trò là cầu nối gắn kết bà con với khoa học, công nghệ, kết nối người sản xuất với thị trường để có đầu ra bền vững. Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình mới, mô hình hiệu quả để bà con nông dân biết, học tập và làm theo.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các loại cây ăn quả có múi như bưởi, cam, quýt đang thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Những năm gần đây, diện tích cam, quýt, bưởi cả nước tăng khá nhanh cả về diện tích lẫn sản lượng. Riêng tại các tỉnh phía Bắc trong 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2019), tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm.

Một số địa phương đã hình thành những vùng cây có múi sản xuất hàng hóa có tiếng, khẳng định được thương hiệu như: Vùng cam Cao Phong, Hòa Bình; vùng cam, bưởi Lục Ngạn, Bắc Giang; vùng cam Văn Giang, Hưng Yên; vùng cam sành Hà Giang hay bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ… Doanh thu từ 1ha trồng cây có múi lên đến 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt tới 200 - 300 triệu đồng/năm, có những mô hình cho lợi nhuận trên 350 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa).

Mặc dù đã được xem là một trong những nhóm cây ăn quả chủ lực, nhưng thực tế việc sản xuất cây có múi đang gặp phải không ít khó khăn. Nhất là nhiều nơi bà con nông dân trồng tự phát, ồ ạt theo phong trào nên đến mùa thu hoạch, thường xảy ra cảnh dội chợ rớt giá; dịch bệnh ngày càng phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm…

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết: Những năm gần đây, cây có múi được người dân Bắc Giang mở rộng liên tục. Từ chỗ chỉ có 1.800ha năm 2013, đến nay đã tăng lên gần 11.000ha. Tổng diện tích cây ăn quả có múi ở Bắc Giang đã tăng tới 600%, chủ yếu là bưởi da xanh, cam đường Canh, cam Vinh…

Tuy nhiên, theo ông Thành, việc quản lý theo quy hoạch và bản đồ số vùng sản xuất tập trung còn khó khăn, bà con nông dân chủ yếu trồng tự phát, quy mô nông hộ. Công tác quản lý giống, vật tư đối với cây có múi còn bất cập, thiếu các nguồn giống sạch bệnh. 

Nhất là việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng đến sinh thái nông nghiệp, môi trường, rút ngắn chu kỳ sản xuất dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả sản xuất chưa được như mong muốn.

Về tiêu thụ, theo đại diện Cục Trồng trọt, sản phẩm cây có múi hiện chủ yếu được bán ở dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính, giá trị xuất khẩu rất khiêm tốn. Việc tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp, siêu thị chưa nhiều. Công nghệ sau thu hoạch, bao gói, chế biến chậm được đầu tư, cải thiện…

Các chuyên gia bảo vệ thực vật phân tích các mẫu bệnh phẩm thường gặp trên cây cam, bưởi.

Kiểm soát tình trạng phát triển "nóng"

Để tiếp tục phát triển sản xuất, tiêu thụ cây có múi hiệu quả cao, bền vững, tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, trước tiên cần hạn chế tối đa tình trạng phát triển "nóng" theo phong trào đối với cây có múi tại các vùng không phù hợp.

Quan tâm phát triển các giống cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên công tác bình tuyển giống năng suất, chất lượng cao và ít sâu bệnh. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; mở rộng các diện tích áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ…

Kết luận diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề nghị các cơ quan quản lý thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý tốt chất lượng giống cây trồng; tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp, HTX tổ hợp tác xã theo chuỗi.

Các cơ quan, đơn vị chuyển giao cây giống, kỹ thuật… cần tăng cường xây dựng mô hình hiệu quả cao, an toàn thực phẩm; xây dựng mô hình gắn với tập huấn, đào tạo, thông tin tuyên truyền với phương châm: "Một người làm, nghìn người biết, vạn người làm theo".

"Đối với bà con nông dân, cần lưu ý 5 bài học: Trước khi trồng cây phải tham quan, học hỏi trước các mô hình hiệu quả rồi mới áp dụng; chuẩn bị đầy đủ đất đai, kinh phí và kỹ thuật; thực hiện từ mô hình nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm; luôn chủ động, sáng tạo, có khát vọng làm giàu" - ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh. 

Theo Dân Việt