Giảm công chăm sóc
Với 25 công đất, bà Trương Thị Diệu xuống giống, trồng 500 gốc sầu riêng (sầu riêng Ri 6 và Monthong), 700 gốc mít Thái cùng một vài loại cây ăn trái khác. Với diện tích khá lớn, việc tưới nước bằng phương pháp truyền thống là vô cùng khó khăn.
Được sự hỗ trợ của ngành chức năng TX. Tân Châu, bà Diệu mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng mô hình tưới nước phun sương tự động, khoảng 150 triệu đồng. Từ khi áp dụng công nghệ mới này, bà giảm bớt thời gian, công sức chăm sóc, đặc biệt là khâu tưới cây.
Bà Diệu chia sẻ: “Áp dụng mô hình này, tôi giảm thời gian tưới, không tốn nhiều công sức trong việc di chuyển ống dây giữa các liếp. Ngoài ra, tưới tự động dưới dạng phun sương sẽ giúp lượng nước được rải đều toàn bộ diện tích đất, tránh tình trạng bị hồ mặt đất, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng suất vườn cây so với cách tưới truyền thống”.
Phát triển mô hình trồng sầu riêng đã đem lại nguồn thu khả quan cho gia đình bà Diệu
Bà Diệu cho biết thêm, công nghệ tưới nước được điều khiển tự động bằng thiết bị di động nên khá dễ dàng, nhanh chóng. Chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại thông minh là máy sẽ tự động tưới, nông dân không còn phải “vật lộn” với hàng trăm mét vòi. “Thiết bị di động điều khiển tưới 3 bờ/lần. Trung bình mỗi lần tưới khoảng 10 phút, nhanh hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, tưới nước phun sương còn giúp tiết kiệm chi phí điện” - bà Diệu chia sẻ thêm.
Việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến này vào sản xuất giúp giảm chi phí nhân công, do không phải thuê lao động tưới nước.
Xử lý cho trái nghịch vụ
Ngoài việc ứng dụng công nghệ tưới nước tự động, bà Trương Thị Diệu còn áp dụng phương pháp xử lý ra hoa trái vụ. Nhờ vậy mà sầu riêng hút hàng, bán được giá cao hơn so với canh tác chính vụ. Sầu riêng thuận vụ sẽ ra hoa vào tháng 11 và thu hoạch vào tháng 5 năm sau. Còn nếu xử lý cho ra hoa mùa nghịch thì bắt đầu xử lý từ tháng 5 (âm lịch), đến tháng 10 (âm lịch) có thể thu hoạch. Bà Diệu cho biết, xử lý sầu riêng trái vụ thường rơi vào mùa mưa. Đây là thời điểm cây phát triển mạnh, thường xuyên ra đọt, lá. Do đó, nhà vườn nên đậy ny-lon quanh gốc để nước mưa không thấm vào đất, cây không ra lá mà sẽ ra hoa. Ngoài ra, trước khi xử lý ra hoa trái vụ, nhà vườn cần phải bón phân đầy đủ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây.
Cũng theo bà Diệu, xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ rất dễ bị sâu bệnh tấn công. Do đó, trong quá trình chăm sóc, nông dân cần thường xuyên thăm vườn để theo dõi, kiểm tra tình trạng của cây, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Kinh nghiệm trong quá trình canh tác sầu riêng đã giúp bà Diệu thu về trái ngọt. Vụ vừa rồi, gia đình bà xử lý 50 cây sầu riêng trái vụ, năng suất ước đạt 1,8 tấn. Giá bán sầu riêng trái vụ có giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Mức giá này đem lại lợi nhuận khả quan cho gia đình. Ngoài canh tác sầu riêng, trong năm qua, canh tác mít Thái đã tạo thu nhập cho gia đình bà khoảng 150 triệu đồng.
Đối với gia đình bà Trương Thị Diệu, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Thành công từ mô hình trồng sầu riêng công nghệ cao của bà mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng xã Tân An nói riêng, TX. Tân Châu nói chung.
Sầu riêng là loại cây “khó tính”, đòi hỏi nông dân phải nắm vững về khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc cây. Để sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt, người trồng cần cân đối được dinh dưỡng cho cây theo từng thời điểm, giai đoạn; đồng thời phải chú trọng đến khâu phòng bệnh cho cây, chủ yếu là bệnh nấm, trùng hại rễ, nhện đỏ… Nếu không chữa trị kịp thời, sâu bệnh sẽ lan ra cả vườn, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.
|
ĐỨC TOÀN