Cần thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện dịch hại để xử lý kịp thời
Không chủ quan với dịch hại
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), tính đến ngày 25-1-2022 (ngày 23 tháng Chạp), toàn tỉnh gieo sạ được 226.152ha lúa đông xuân, đạt gần 98% so kế hoạch. Các trà lúa hiện đang ở mạ (48.308ha), đẻ nhánh (121.381ha), làm đòng (42.979ha), trổ (10.991ha) và chín (2.486ha).
Từ đầu vụ đến nay, đã có 15.060ha lúa nhiễm dịch hại mức độ từ nhẹ đến trung bình, gồm: Ốc bươu vàng 1.971ha (nhiễm nhẹ 1.873ha, trung bình 98ha); chuột 4.114ha (nhiễm nhẹ 4.110ha, trung bình 4ha); rầy nâu 110ha (nhiễm nhẹ), mật số 750-1.500 con/m2; bệnh đạo ôn lá 3.286ha (nhiễm nhẹ 3.281ha, nhiễm trung bình 5ha), tỷ lệ gây hại từ 3-10%, bệnh cấp 1-3; bệnh đạo ôn cổ bông 25ha (nhiễm nhẹ), tỷ lệ bị hại từ 3-5%...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình xu thế thời tiết An Giang ở giai đoạn trước, trong và sau Tết phổ biến trời nhiều mây, sáng sớm có sương mù, nắng yếu, có thể xuất hiện mưa trái mùa, nhiệt độ thấp nhất 20-23oC, cao nhất 33-34oC.
Dựa vào tình hình thời tiết và các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; qua thực tế thăm đồng, theo dõi bẫy đèn, Chi cục TT&BVTV lưu ý, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, một số đối tượng dịch hại trên cây lúa có khả năng phát sinh và gây hại. Cụ thể, đối với rầy nâu, dự kiến sẽ có đợt rầy non nở vào khoảng 25-1 đến đầu tháng 2-2022 (23 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ ở hầu hết các huyện. Đặc biệt, chú ý ruộng sạ dày, bón thừa đạm, trồng giống nhiễm rầy, như: Jasmine 85, lúa Nhật, OM4900, nếp, OM4218, IR50404, OM2514, OM5451, OM7347, OM6561, OM6377...
“Nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép thì tiến hành phun thuốc trừ rầy. Tuyệt đối không phun ngừa khi mật số rầy còn thấp (dưới 3 con/tép).
Khi phun thuốc, cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm: Đúng thuốc (đúng thuốc đặc trị rầy nâu, không sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc, không sử dụng thuốc trừ sâu cuốn lá để phun trừ rầy, không kết hợp thuốc đặc trị rầy với nhóm trừ sâu cuốn lá, sẽ làm bộc phát rầy), đúng lúc (lúc rầy tuổi 2-3 ngày, có màu vàng lợt đến vàng nâu), đúng nồng độ và liều lượng (theo khuyến cáo trên nhãn và đủ lượng nước), đúng cách (phun vào thân cây lúa, không phun phớt trên lá).
Chú ý, không sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid giai đoạn trổ, sau trổ, cần tuân thủ thời gian cách ly trước thu hoạch” - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Văn Hiền khuyến cáo.
Tập trung bảo vệ sản xuất
Theo Chi cục TT&BVTV, thời tiết dịp Tết còn thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục lây nhiễm và gây hại, mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên các ruộng trồng giống nhiễm, sạ dầy, bón dư phân đạm, như: OM4218, IR50404, Jasmine 85, OM2514, OM5451, OM6073, Nàng Hoa 9, OM4900, OM5451, nếp, OM6073, OM7347… Cần chú ý bệnh đạo ôn cổ bông trên giống Jasmine 85, IR50404, OM6976, OM4900… Nên thăm đồng kỹ trước, trong và sau Tết để phát hiện sớm và đưa ra biện pháp phòng trị hiệu quả, đặc biệt trên lúa đẻ nhánh - làm đòng - trổ.
Chi cục TT&BVTV lưu ý, đối với bệnh đạo ôn lá, chỉ nên phun thuốc đặc trị khi phát hiện 1-2 vết bệnh đạo ôn điển hình trên ruộng. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, nên phun ngừa trước và sau trổ 7 ngày, phun từ 1,5-2 bình máy 25 lít/1.000m2; tuyệt đối không bón phân, sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng khi ruộng đang bị bệnh.
Muỗi hành có khả năng tiếp tục xuất hiện và gây hại trên trà lúa xuống giống muộn (gieo sạ vào cuối tháng 12-2021 đến giữa tháng 1-2022), mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình, cục bộ có thể bị nhiễm nặng nếu sử dụng giống nhiễm (Jasmine 85, Đài thơm 8, OM6976, OM5451, nếp…).
Trong điều kiện thời tiết có mưa, trời âm u, sương mù, ẩm độ cao, trên ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và khó quản lý nước, phun thuốc trừ sâu nhiều ở đầu vụ… cũng có thể nhiễm muỗi hành. Chi cục TT&BVTV lưu ý, khi phát hiện muỗi hành gây hại trên ruộng, phun thuốc phòng trị sẽ không hiệu quả cao. Nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, như: Không bón thừa phân đạm; bón cân đối đạm, lân, kali; quản lý nước tốt…
Ngoài ra, cần lưu ý đối tượng khác có khả năng gây hại, như: Chuột, sâu cuốn lá, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh lem lép hạt...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm (Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lúa và các dịch hại khác trên cây trồng tỉnh An Giang) đề nghị, Ban Chỉ đạo các cấp phân công cán bộ thăm đồng thường xuyên, giúp nông dân quản lý tốt dịch hại trong dịp Tết. Cần báo cáo về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trước 15 giờ hàng ngày, thông qua Chi cục TT&BVTV, điện thoại: 0296.3856793, email: ccbvtv@angiang.gov.vn (Phòng Hành chính - Tổng hợp); 0296.3854698, email: kythuatbvtvag@gmail.com (Phòng Bảo vệ thực vật). |
NGÔ CHUẨN