Giá heo tăng, nông dân thận trọng trong việc tái đàn

29/06/2018 - 10:21

 - Những năm trước, khi giá heo trên thị trường tăng, người chăn nuôi đua nhau tái đàn. Hiện nay, 3 tháng trôi qua, giá thịt trên thị trường luôn ở mức cao nhưng việc tái đàn, nông dân (ND) rất thận trọng.

Tái đàn thận trọng

“Nguyên nhân của vấn đề do năm 2016, 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, giá heo trên thị trường rớt xuống dưới giá thành sản xuất, có thời điểm thương lái không mua hoặc có thì ở mức 23.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi thấp nhất cũng phải 32.000 đồng/kg. Hàng loạt ND thua lỗ, có hộ phải bán tài sản của gia đình vẫn không đủ trả nợ. Nhiều hộ “ly nông lẫn ly hương”, tìm việc làm ở tận Bình Dương, Đồng Nai…” - bà Nguyễn Thị Sậy (xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) chia sẻ.

Gia đình bà Sậy là một trong những hộ chăn nuôi chuyên nghiệp. Hơn 30 năm qua, nhờ nuôi heo bà Sậy đã nuôi được các con ăn học thành tài, có nghề nghiệp ổn định. 3 năm trở lại đây, tin tưởng thị trường ổn định bà Sậy đã tăng đàn, từ 20 lên 40 con, rồi 120 con. Thời điểm heo có giá, hàng ngày thương lái đến chờ mua heo. Những lúc heo xuất mạnh sang Trung Quốc, giá heo hơi lên đến 52.000 đồng/kg, năm đó thu lãi hàng trăm triệu đồng.

“Chưa bao giờ tôi nuôi heo lời như năm 2015, giá heo trên thị trường rất cao. Heo nuôi có lời, nhiều người đã nhảy vào nuôi. Hộ chăn nuôi cá, buôn bán vật liệu xây dựng hay trồng lúa cũng làm chuồng trại để nuôi heo. Lúc này, heo giống có giá rất cao, có thời điểm trên 1 triệu đồng/con nhưng không có heo để mua. Năm 2015 là thời kỳ “vàng son”, bước sang năm 2016 heo bắt đầu rớt giá, tình trạng thua lỗ đã xảy ra” - bà Sậy chia sẻ.

Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi đã làm cho sản lượng heo tăng mạnh trong những năm qua

Hộ chăn nuôi, ngoài nguyên nhân thua lỗ, không có tiền để tái đàn, một nguyên nhân khác khiến tình hình tái đàn được ND thận trọng là do thiếu thông tin chính thống, vì vậy người nuôi không dám tổ chức sản xuất như trước đây. Hiện nay, những người còn nuôi heo là những người có vốn.

“Việc tổ chức sản xuất bây giờ vẫn mang tính tự phát, bởi đa phần các hộ chăn nuôi dựa vào thương lái để tiêu thụ. Nuôi theo kiểu tự phát, tự xử lý, có hộ thua lỗ quá nặng; từ một người có tiền, có vốn nay trở thành con nợ. Hơn nữa, giá thức ăn không ngừng tăng lên, trong khi Nhà nước không quản lý được, ND đành phải chấp nhận” - ông Trần Trung Dũng (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) lý giải.

Liên kết vẫn hơn

Nuôi heo là một nghề giúp hàng chục ngàn hộ ND trong tỉnh có được cuộc sống ổn định. Những năm thị trường tiêu thụ tốt, hộ chăn nuôi nhiều, tổng đàn lên đến hàng trăm con, hộ nuôi ít cũng 5 con. Hơn 30 năm qua, nhiều hộ sống với nghề này vẫn chưa tìm được mối liên kết trong tiêu thụ để ngành, nghề phát triển ổn định và bền vững. Những năm qua, do tình trạng thua lỗ kéo dài làm cho tổng đàn heo của tỉnh chỉ phát triển quanh mức 100.000 con/năm. Trong quá trình phát triển, đa phần các hộ dân vẫn làm theo kiểu tự phát, vì vậy rủi ro ở ngành, nghề này rất lớn.

“Người nuôi heo trong tỉnh hiện nay đang thiếu mối liên kết, trong đó có liên kết chiều ngang (giữa những hộ chăn nuôi) với liên kết chiều dọc (giữa ND với các doanh nghiệp tiêu thụ). Chính việc chưa xây dựng được mối liên kết nên tình trạng tiêu thụ thiếu ổn định đã xảy ra thường xuyên. Hiện nay, ND rất cần có mối liên kết để ngành, nghề này phát triển một cách tốt nhất và mang tính bền vững” - ông Nguyễn Văn Thanh (ND ở xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Những năm gần đây, do việc áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản lượng thịt hàng năm trên thế giới tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến tình hình cung - cầu trên phạm vi toàn cầu. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra dự báo, sản lượng thịt heo toàn cầu năm 2018 sẽ tăng 1,8% so với năm ngoái và đạt mức 113,07 triệu tấn, trong đó sản lượng tại Trung Quốc tăng 2,3%, lên 54,75 triệu tấn và tại Việt Nam tăng 0,9%, lên 2,775 triệu tấn. Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, sau đó là Liên minh Châu Âu, Mỹ, Brazil và Nga. Việt Nam là nước có nguồn cung thịt heo lớn thứ 6 thế giới. Như vậy, với lượng cung các nước lớn như thế, hộ nuôi trong tỉnh không có liên kết trong tiêu thụ sẽ dễ gặp rủi ro như thời gian qua.

Để ngành chăn nuôi heo phát triển mang tính ổn định và bền vững, việc tạo ra nhiều mối liên kết để cùng nhau phát triển là rất cần thiết. ND trong tỉnh cần tính toán vấn đề này và mạnh dạn đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để bà con có được sự hỗ trợ về thông tin, thị trường tiêu thụ, thị trường thức ăn và nhiều thông tin khác.

“Để tình hình chăn nuôi phát triển mang tính bền vững, việc đánh giá tình hình cung - cầu là hết sức quan trọng. Nhà nước cần giúp ND biết được tình hình cung - cầu, từ đó có những khuyến cáo việc thả nuôi sao cho sát với tình hình thực tế” - ông Trương Văn Trọng (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN