Tăng cường chính sách giảm nghèo bền vững

10/04/2019 - 06:51

 - Những năm qua, An Giang ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và tỉnh về công tác giảm nghèo, đồng thời đưa mục tiêu giảm nghèo vào quy hoạch tổng thể và các chương trình, kế hoạch phát triển. Qua đó, kết quả giảm nghèo đạt nhiều kết quả nổi bật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tập trung nguồn lực

An Giang có 156 xã, phường, thị trấn, trong đó 18 xã biên giới, 36 xã dân tộc (Khmer 27 xã, Chăm 9 xã ở 8 huyện). Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn có 28 dân tộc thiểu số (DTTS), với 119.219 người (28.481 hộ), chiếm 5,28% dân số toàn tỉnh, gồm: Khmer, Chăm, Hoa… Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững toàn tỉnh hơn 173,7 tỷ đồng; triển khai hiệu quả cuộc vận động quỹ “Vì người nghèo” và hoạt động xã hội hóa để tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, việc đầu tư cho các chính sách giảm nghèo ngày càng tăng và huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức giảm nghèo của người dân và được xã hội đồng thuận cao. Việc tăng cường hỗ trợ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh (thủy lợi, đường giao thông liên ấp, liên xã, trường học, trạm y tế, chợ, điện, nước sạch…) theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giúp đời sống người dân ngày càng phát triển.

Nhiều mô hình trồng trọt giúp người dân nâng cao thu nhập

Qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiếp cận đa chiều) giảm, đời sống hộ nghèo được nâng lên nhờ triển khai các chủ trương, chính sách, như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã vùng sâu, vùng biên giới, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ nhà ở, miễn giảm học phí, viện phí, thông tin… Với việc đầu tư có trọng điểm cho những hộ có khả năng thoát nghèo, qua khảo sát từ đầu năm cho thấy, chương trình đã giúp người dân đủ điều kiện vươn lên để thoát nghèo bền vững hơn. Thống kê đầu năm 2012, toàn tỉnh có 41.281 hộ nghèo (chiếm 7,84% tổng số hộ), 32.045 hộ cận nghèo (6,1%), 5.950 hộ nghèo DTTS (22,7% tổng số hộ DTTS); cuối năm 2018 còn 19.989 hộ nghèo (chiếm 3,67%), 31.690 hộ cận nghèo (5,82%), 4.338 hộ nghèo DTTS (16,1% tổng số hộ DTTS).

Cần điều chỉnh chính sách

Thời gian qua, với sự chung tay của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, số hộ phát sinh nghèo mới vẫn còn cao, đa số thuộc diện cận nghèo; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, tốc độ giảm nghèo không đều, một số nơi giảm nghèo còn chậm, nhất là địa bàn miền núi…

Từ năm 2012-2018, thực hiện 71 dự án, 26 mô hình giảm nghèo với kinh phí khoảng 16 tỷ đồng cho 1.620 người và 640 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Công Bằng cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến nghèo của người dân thường do trình độ học vấn thấp, thiếu tư liệu sản xuất (đất đai, phương tiện), đông con nhỏ, đau ốm, thiên tai… nhất là người dân thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Thời gian qua, có những chính sách và khoảng 70% mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt (như trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghề truyền thống) giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chính vì thế cần nhân rộng các mô hình, đồng thời nghiên cứu thêm các mô hình phù hợp từng địa bàn cụ thể để bà con phát triển sinh kế”.

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo

Theo các chuyên gia, để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững cần rất nhiều giải pháp, tuy nhiên hiện nay chính sách giảm nghèo còn rất manh mún. Trước hết, cần phải thay đổi khung chính sách, chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang cho vay, cho mượn, có thể ứng vốn đầu vụ đến cuối vụ trả nợ… chứ không thể “cho không” mãi được. Khi có áp lực trả nợ sẽ thúc đẩy người dân nỗ lực nhiều hơn. Chỉ cần có tính toán thì người nghèo sẽ có động cơ trả nợ, vì thế mới có thể tự vươn lên, chí thú làm ăn để thoát nghèo.

Thường xuyên đánh giá tác động của các chính sách để điều chỉnh phù hợp, nhất là ở An Giang có thể lồng ghép dự án giảm nghèo với phát triển du lịch (ở các cơ sở thủ công truyền thống, nấu đường thốt nốt, đan đát, dệt thổ cẩm…). Tăng cường hướng dẫn mô hình hay, cách làm hiệu quả để người nghèo vận dụng vào sản xuất, làm ăn, tức là trao “cần câu” để người nghèo tự “câu cá”. Vấn đề là cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng xã hội thì sự “tự giác vươn lên” của người nghèo là quan trọng nhất, họ phải chí thú làm ăn để vươn lên. Cùng với đó, các cấp quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn để giúp người dân thoát nghèo bền vững, đồng thời tránh thất thoát để kinh phí đến đúng người thụ hưởng.   

Trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, An Giang đề xuất, Trung ương cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ để huy động các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo. Đặc biệt thời gian tới, cần tập trung giải quyết các nguyên nhân chính như: tập trung nguồn lực để nâng cao dân trí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… để người nghèo có cơ hội vươn lên. Đồng thời, Trung ương cần bố trí kinh phí tập trung, không dàn trải, manh mún… để địa phương điều chỉnh phù hợp nhằm thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả

 

HỮU HUYNH