Tập trung bảo vệ vụ hè thu

05/07/2018 - 05:06

 - Đó là yêu cầu trọng tâm của ngành nông nghiệp An Giang trước tình hình dịch hại nguy hiểm, thời tiết mưa nắng liên tục. Trong bối cảnh giá lúa đang duy trì ở mức cao, nếu bảo vệ tốt vụ hè thu, nông dân sẽ có thêm vụ mùa thắng lợi, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh.

Dễ bị sâu, bệnh hại tấn công

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm 230.728,46ha lúa hè thu (đạt 101% kế hoạch). Trong đó, lúa giai đoạn mạ 4.427ha, đẻ nhánh 43.075ha, đòng 124.223ha, trổ 40.966ha, thu hoạch 7.519ha (ước năng suất 5,63 tấn/ha, cao hơn 0,38 tấn/ha so cùng kỳ).

Qua các trà lúa cho thấy, trên đồng ruộng hiện nay, lúa giai đoạn đẻ nhánh và đòng chiếm tỷ lệ lớn (72% diện tích). Đây là giai đoạn dễ mẫn cảm với các loại sâu, bệnh hại, đặc biệt là rầy nâu và đạo ôn. Từ đầu vụ hè thu đến nay, diện tích nhiễm rầy nâu chiếm 9.594ha, bệnh vàng lùn 160ha và 15.234ha bệnh đạo ôn ở mức độ nhẹ (tính đến ngày 26-6).

Thêm vào đó, thời tiết sẽ tiếp tục có nắng nóng, thường xuyên có mưa, ẩm độ không khí cao, nhiệt độ dao động trong khoảng 28-330C, mưa nhẹ về chiều, mưa lớn về đêm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu, bệnh hại trên lúa phát sinh và phát triển gây hại như: rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL), đạo ôn, cháy bìa lá, lem lép hạt… nếu không chủ động quản lý tốt và kịp thời.

Thăm đồng thường xuyên để chủ động phòng, trừ dịch hại lúa

Ngày 27-6-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Công văn số 1057/SNN&PTNT-CCTT&BVTV, đề nghị các sở, ban, ngành (thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh VL-LXL lá và các dịch hại khác trên lúa của tỉnh), UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên lúa. Trong đó, thực hiện nghiêm túc lịch gieo sạ tập trung, né rầy theo hướng dẫn của Chi cục TT&BVTV; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Lưu ý kỹ thuật

Đối với rầy nâu, bệnh VL-LXL, cần tham gia, tổ chức lực lượng thăm đồng, giám sát tình hình rầy nâu, bệnh VL-LXL; tập trung chỉ đạo sớm dập tắt dịch bệnh (nếu có xảy ra), không để lây lan ra diện rộng; vận động và hướng dẫn nông dân phòng trừ có hiệu quả. Cần bám sát đồng ruộng, nắm chắc tình hình phát sinh của sâu bệnh, hướng dẫn nông dân tiêu hủy cây lúa bị bệnh cũng như các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. “Đối với bệnh VL-LXL, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, biện pháp đầu tiên là phòng bệnh, bao gồm thực hiện triệt để các biện pháp phòng, trừ rầy nâu, áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để cây lúa khỏe, nhất là giai đoạn trước trổ để gia tăng sức đề kháng của cây lúa. Riêng trường hợp nhiễm nặng phải tiến hành tiêu hủy”- Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Ông Thư lưu ý, khi lúa ở giai đoạn còn non (dưới 30 ngày), nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng (trên 30% số dảnh bị bệnh) thì phải tiêu hủy ngay bằng cách cày, bừa cả ruộng để diệt mầm bệnh. Trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy nâu (nếu có rầy) để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác. Từ giai đoạn lúa sau 30 ngày trở đi, cần thường xuyên thăm đồng và nhổ, vùi bỏ bụi lúa bệnh. Nếu phát hiện rầy cám có mật số trên 3 con/tép thì phải phun thuốc trừ rầy nâu bằng các loại thuốc đặc trị theo nguyên tắc “4 đúng”, theo hướng dẫn của nhân viên TT&BVTV cũng như khuyến nông viên địa phương. Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh quá nặng thì tiến hành tiêu hủy.

Đối với bệnh đạo ôn, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trên các chương trình dự báo thời tiết của đài, báo, thăm đồng thường xuyên, tạo thế chủ động phòng, trừ đạo ôn hiệu quả. Đồng thời, bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón thừa phân đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh, trước và sau trổ (bón đón đòng). Đối với đạo ôn cổ bông, khi bệnh phát sinh, cần giữ nước trong ruộng, dừng việc bón phân (đặc biệt là phân có chứa đạm, các loại phân bón lá), tiến hành phun các loại thuốc đặc trị trước và sau trổ.

Theo ông Thư, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT như Chi cục TT&BVTV, Trung tâm Khuyến nông cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời tình hình diễn biến của bệnh và các biện pháp phòng, chống đến nông dân. Song song đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu, chất lượng thuốc đến cho người dân.

Trong thực hiện công tác phòng chống dịch hại trên lúa, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, nông dân có thể liên hệ Chi cục TT&BVTV An Giang  thông qua email: ccbvtv@angiang.gov.vn và các số điện thoại 02963.854.698 (Phòng BVTV) hoặc 0918.626.796 (ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV) để được hỗ trợ

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN