Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt sản xuất dưa lưới Taki tại TP. Long Xuyên

27/02/2019 - 08:29

 - KS Nguyễn Thị Mai Khương (Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên) vừa thực hiện thành công dự án “Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki tại TP. Long Xuyên”.

Dự án thực hiện 12 tháng, từ tháng 12-2017 đến tháng 11-2018. Tổng kinh phí thực hiện hơn 528 triệu đồng, trong đó hỗ trợ dự án từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ 208 triệu đồng, còn lại là kinh phí đối ứng dự án từ hộ dân tham gia. Mục tiêu dự án là sản xuất thử nghiệm dưa lưới Taki trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Trong đó xây dựng nhà màng 1.000m2. Sản xuất dưa lưới Taki năng suất đạt 3.200 kg/vụ/1.000m2; sản phẩm loại 1 đạt >95% (trọng lượng trung bình > 1,3 kg, brix >13, hàm lượng nước < 80%). Chất lượng: quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiệu quả kinh tế tăng 30% (hiệu quả sử dụng đất tăng 30% so với mô hình truyền thống). Dự án gồm 4 nội dung chính: xây dựng nhà màng diện tích 1.000m2; sản xuất thử nghiệm dưa lưới Taki; xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của dự án; tổ chức hội thảo khoa học.

Với sự hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của Công ty Trang trại Việt, chủ nhiệm dự án đã nắm toàn bộ quy trình sản xuất, các kỹ thuật cần thiết, cách theo dõi cây phát triển, quản lý sâu bệnh... Chị Khương cho biết: “Về hiệu quả sản xuất dưa lưới, năng suất đạt trung bình 3,4 tấn/vụ và có thể sản xuất ít nhất 4 vụ/năm, chất lượng độ ngọt cao Bx từ 13- 17. Hiệu quả về kinh tế cao: tổng doanh thu 1 năm 3 vụ đạt 332 triệu đồng; lãi ròng 143 triệu đồng. Tỷ lệ lãi ròng so với vốn đầu tư đạt 23%/năm, lãi ròng so với doanh thu là 43%/năm. Ngoài lợi ích kinh tế, dự án còn  gặt hái được nhiều lợi ích xã hội, giúp người dân hiểu biết hơn về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch, dịch vụ, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”.

Chăm sóc dưa lưới tại vườn

Chủ nhiệm dự án đã tiến hành xây dựng nhà màng diện tích 1.000m2 ở khóm Tây Khánh 6, phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), kiểu nhà màng 2 nóc hở, tạo điều kiện thông gió tốt hơn trong nhà màng. Nhà màng được thiết kế theo tiêu chuẩn NMA-1994 của Mỹ. Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để tiết kiệm nước và phân bón, hoàn toàn tự động nên tiết kiệm được thời gian và nhân công. Sau khi xây dựng hoàn chỉnh nhà màng, trang bị các thiết bị cần thiết trong nhà màng như: hệ thống cáp treo, hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ kết hợp với đơn vị chuyển giao lên kế hoạch sản xuất. Đơn vị chuyển giao vừa hướng dẫn, vừa tập huấn kỹ thuật, đào tạo nhân sự, hướng dẫn chuẩn bị vật tư sản xuất, các bước thực hiện, thời gian và kỹ thuật.

Chị Khương thông tin: “Sản phẩm dưa lưới của dự án đã được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tôi đã kết hợp mở cửa tham quan du lịch và bán sản phẩm tại vườn, đồng thời tìm thêm khách mua sỉ”. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chủ dự án đã phối hợp các đơn vị chuyên môn thiết kế và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm dưa lưới và đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu dưa lưới “GIVING’s FARM”.

Qua thời gian thực hiện, dự án ngoài sản xuất dưa lưới cung cấp cho thị trường còn có thể làm điểm tham quan du lịch và đã được đông đảo khách hàng, giới trẻ yêu thích, đến tham quan, chụp ảnh, thưởng thức dưa lưới tại vườn. Từ đó giúp người dân hiểu biết nhiều hơn, có cái nhìn thực tế hơn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự án tạo tiền đề chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống, lạc hậu lên một bước tiến vượt bậc. Mặc dù vốn đầu tư cao hơn các kỹ thuật truyền thống nhưng giá trị lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện.

Sản phẩm dưa lưới trồng trong điều kiện nhà màng được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản phẩm an toàn và có chất lượng thơm ngon. Hiện thị trường An Giang, dưa lưới được tiêu thụ rộng với giá cả ổn định. Ngoài ra, sản phẩm còn cung cấp cho siêu thị Co.opmart, cửa hàng nông sản an toàn...

Chị Khương kiến nghị, dự án mang lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, hoàn toàn có thể triển khai nhân rộng. Dự án mở ra một hướng đi phù hợp với lợi ích cộng đồng, với xu hướng phát triển của xã hội. Sản phẩm của dự án được sản xuất theo quy trình VietGAP, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Dự án còn tạo điểm nhấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao của TP. Long Xuyên.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU