Xóm đạo núi Tượng và những đổi thay

25/12/2018 - 06:54

 - Về thăm xóm đạo núi Tượng (ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, Thoại Sơn) những ngày đón chào lễ Giáng sinh, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng và sự phấn khởi của người dân khi đời sống đang từng bước đổi thay, kinh tế gia đình ngày càng ổn định...

Là người gắn bó với Thánh đường Đức mẹ Vô Nhiễm (Giáo xứ Núi Tượng) gần 10 năm qua, linh mục Phêrô Trần Văn Quắn đã chứng kiến bao sự đổi thay trên xóm đạo này. Linh mục Phêrô Trần Văn Quắn cho biết: “Nhà thờ được xây dựng từ những năm 1990, lúc bấy giờ đời sống người dân nơi đây còn khó khăn, chủ yếu gắn bó với ruộng đồng, một số phải đi làm ăn xa, làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới, đường sá được thông thoáng hơn, cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp, các ngành, nghề dịch vụ ngày càng phát triển, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho người dân nông thôn.

Cha xứ thăm hỏi đời sống giáo dân

Giáo xứ luôn giáo dục giáo dân siêng năng cần cù trong lao động để đảm bảo đời sống kinh tế gia đình và khi dư dả phải biết “nhường cơm sẻ áo”, chia sẻ những khó khăn trong đời sống cộng đồng. Những năm qua, giáo xứ đã nỗ lực vận động đồng bào giáo dân đóng góp kinh phí xây dựng được 1 cây cầu bê-tông trị giá 300 triệu đồng, nối 2 bờ kênh tạo điều kiện cho học sinh đến trường, người dân đi lại nhanh chóng hơn khi các tuyến đường được liền mạch với nhau. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh Trường Mẫu giáo Vọng Đông và Trường Tiểu học “B” Vọng Đông đi lại dễ dàng và không xảy ra tình trạng đuối nước, linh mục Phêrô Trần Văn Quắn đã vận động giáo dân đóng góp nâng cấp đoạn đường dài 150m, với bờ kè chống sạt lở và hành lang an toàn. Khi chiếc cầu nối liền thị trấn Óc Eo và xã Vọng Đông sửa chữa, người dân phải qua sông bằng đò, nhà thờ đã hỗ trợ xây dựng 1 chiếc cầu tạm bằng kẽm trị giá 80 triệu đồng để người dân đi lại thuận tiện, đỡ phải chịu cảnh “ngăn sông cách chợ”. Bên cạnh đó, mỗi tháng nhà thờ đều phân công người đến thăm hỏi, tặng quà cho 40 giáo dân nghèo khó, nhận trợ cấp mỗi tháng 200.000 đồng cho 5 cụ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp với các tín đồ tôn giáo khác xây dựng 30 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở (không có đất xây cất, không có hộ khẩu, không thuộc diện hộ nghèo). Mỗi dịp lễ Giáng sinh hay Tết Nguyên đán, nhà thờ còn tặng khoảng 250 suất quà cho các hộ có người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là chăm lo học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/năm học cho học sinh từ tiểu học đến hết bậc trung học phổ thông.

Nhà thờ đã ký kết với Công an huyện thực hiện “Giáo xứ 3 không” (không ma túy, không mại dâm, không tội phạm) góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Cùng với đó là khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: may gia công, may xuất khẩu...

Bài, ảnh: NGỌC GIANG