“Bám quê” với nghề nuôi lươn giống

13/10/2021 - 05:24

Từ vài công đất trồng lúa kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã chuyển đổi sang nhiều mô hình làm vườn, chăn nuôi khác nhau. Sau những lần thất bại, anh Tuấn quyết tâm trụ lại với nghề nuôi lươn giống và tìm hướng đi riêng để phát triển.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham quan mô hình nuôi lươn của anh Tuấn

Chia sẻ về hướng đi của mình, anh Tuấn cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi có 3 công ruộng sau nhà, chỉ chuyên làm lúa, nuôi heo, nuôi bò. Công việc quanh đi quẩn lại quá vất vả mà thu nhập không đủ ăn nên tôi bỏ đi làm công nhân ở TP. Long Xuyên. Làm được vài năm, tôi nhận thấy công việc quá vất vả, không có tích cóp hay cơ hội phát triển. Do vậy, tôi đã nghỉ việc hơn 1 năm nay và quay về làm lại từ đầu với mảnh đất sau nhà. Không chạy theo chuyển đổi các cây trồng có giá cả quá dao động, bấp bênh, tôi chọn cho mình nghề ương lươn giống và lươn thương phẩm”.

Từ một công nhân nay trở về làm nông dân, anh Tuấn hầu như không có kinh nghiệm hay kiến thức trong chăn nuôi. Thế nhưng, anh đã không ngại khó lên mạng tìm hiểu và so sánh các kỹ thuật nuôi lươn. Anh khởi đầu công việc bằng cách mua lươn loại II về gầy giống. Chỉ sau 2-3 tuần, lươn bắt đầu sinh sản, đến khi có lươn bột anh dưỡng thêm 3 tháng đến khi đạt 500 con/kg sẽ xuất bán. Năm trước, anh Tuấn bán được 10.000 con, với giá 3.000 đồng/con. Còn trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người nuôi lươn hạn chế nên lươn giống của anh tiêu thụ chậm lại. Dù có gặp khó khăn nhưng anh Tuấn tiếp tục đầu tư thêm 25 bồn nuôi lươn trên diện tích 3.000m2 đất, với mỗi bồn nuôi khoảng 400 con. “Chọn mô hình nuôi lươn giống tôi tính trước, nếu trường hợp không bán được lươn con sẽ nuôi đến lớn, tiếp tục gầy giống, thời gian có thể kéo dài thêm 6-8 tháng hoặc lâu hơn, khi đó mong rằng tình hình tiêu thụ sẽ được cải thiện” - anh Tuấn hy vọng.

Quay trở lại quê nhà, đầu tư mô hình nông nghiệp trong thời điểm hàng hóa nông sản tiêu thụ chậm với anh Tuấn quả là điều khó khăn. Anh cũng gặp khó ở nguồn vốn, bởi bao nhiêu tiền tích cóp cộng thêm số tiền bán lươn giống anh đã đầu tư trở lại cho bồn nuôi, máy móc phục vụ, trong khi đó vẫn chưa thể xuất bán. Điều khó khăn hơn với anh Tuấn là anh tự nhận biết mình còn chưa hoàn thiện về kỹ thuật nuôi nên mong muốn được tham gia các lớp học nghề, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhưng với tình hình dịch bệnh, địa phương vẫn chưa thể tổ chức các lớp dạy nghề.

Tham quan thực tế mô hình nuôi lươn của anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ đánh giá cao tinh thần vượt khó, quyết tâm lao động của anh Tuấn, góp phần cùng địa phương chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để anh Tuấn tham quan, học tập kỹ thuật ương giống, nuôi lươn bố mẹ tại các trại giống, Trung tâm Giống thủy sản, tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức; tạo điều kiện vay vốn để mở rộng sản xuất nếu người nuôi có nhu cầu. Đồng thời, ông Trương Kiến Thọ cũng khuyến khích người nuôi nên chọn phân khúc sản xuất để hướng đến sản xuất mang tính chuyên môn, tập trung hơn vào đầu ra cho sản phẩm, có những sáng tạo để liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường một cách bền vững trong điều kiện bình thường mới hay trong tình cảnh khó khăn do nhiều nguyên nhân tác động.

Dịch COVID-19 đã tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, đến nhiều ngành nghề, làm đời sống người dân ngày càng khó khăn. Thay vì thụ động, cần lắm sự năng động, mạnh dạn thay đổi tư duy, thích ứng của người dân với đa dạng ngành nghề, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của bản thân và gia đình. Ngay khi có thể gắn bó với quê hương, hãy kiên trì vượt khó, tích cực học hỏi để nâng cao kiến thức, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và đóng góp công sức xây dựng vùng quê ngày càng phát triển.

TRÚC PHA