20 dấu hiệu ung thư thường bị phụ nữ bỏ qua

28/04/2021 - 14:51

Lên cân hay giảm cân bất thường, kinh nguyệt không đều, mụn kéo dài... đều là những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe với chị em, thậm chí là dấu hiệu cảnh báo ung thư.

Đó là lý do tại sao chú ý đến sức khỏe và cảnh giác với bất kỳ thay đổi nào dù rất nhỏ là rất quan trọng. Phái đẹp cần đặc biệt cảnh giác trước những biểu hiện dưới đây vì chúng có thể là dấu hiệu của ung thư.

1. Chảy máu bất thường

Phụ nữ đôi khi xem thường dấu hiệu chảy máu âm đạo hoặc trực tràng. Tuy nhiên điều này thường có thể báo hiệu một quá trình đáng lo ngại như ung thư tử cung hoặc đại tràng. Những dấu hiệu này thường có thể đáng sợ và phụ nữ có thể không muốn thừa nhận rằng họ cần kiểm tra thêm.

Lời khuyên: Nếu thấy máu chảy từ nơi đáng lẽ không chảy máu, tốt nhất là báo cho bác sĩ. Nên kiểm tra hàng năm và đảm bảo rằng bạn đã hoàn thành tất cả những khám xét phù hợp với lứa tuổi.

2. Thường xuyên mệt mỏi

Nếu lúc nào cũng cảm thấy mệt, bất kể lúc ngủ, nghỉ ngơi hay uống caffein, đó có thể là dấu hiệu của ung thư. Bạn có thể cảm thấy mất động lực và thấy mình ngủ thiếp đi nhiều lần trong ngày.

Lời khuyên: Lên lịch khám sức khỏe định kỳ và đảm bảo thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn y tế hiện hành, bao gồm phết tế bào cổ tử cung, chụp X quang vú, nội soi đại tràng và xét nghiệm mật độ xương.

3. Đầy hơi chướng bụng

Đầy hơi, đau hoặc tức nặng từ xương mu đến dưới bờ sườn kéo dài hơn hai tuần là những dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng.

4. Tăng cân bất thường

Tăng cân bất thường và thay đổi thói quen đi ngoài có thể là những dấu hiệu kín đáo của ung thư buồng trứng. Các dấu hiệu của ung thư buồng trứng có thể rất mơ hồ. Phụ nữ có thể dễ dàng bỏ qua những thay đổi trong thói quen đi ngoài và tăng cân vì cho rằng chúng là do mãn kinh, lão hóa hoặc chế độ ăn uống.

Lời khuyên: Bất kể tiền sử gia đình như thế nào, nếu những triệu chứng này kéo dài trong vài tuần, hãy đến gặp bác sĩ.

5. Giảm cân bất thường

Trong thời đại giảm cân hiện nay, triệu chứng này có thể được coi là may mắn thay vì dấu hiệu chỉ điểm. Nhưng giảm cân có thể là vấn đề, đặc biệt nếu đi kèm với chán ăn hoặc thay đổi thói quen đi ngoài. Một số bệnh ung thư có thể biểu hiện sụt cân bất thường, bao gồm ung thư thực quản, gan, đại tràng và tuyến tụy, cũng như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch (u lympho).

Lời khuyên: Cần báo cáo những thay đổi về cân nặng cho bác sĩ càng sớm càng tốt để tối đa hóa chất lượng cuộc sống, các lựa chọn điều trị và khả năng sống.

6. Thay đổi ngoài da

Bất kỳ thay đổi nào trên nốt ruồi hoặc tàn nhang, hoặc sự xuất hiện của các nốt ruồi mới, đều có thể là dấu hiệu của ung thư da. Tự kiểm tra thường xuyên và báo cáo những thay đổi cho bác sĩ da liễu có thể giúp phát hiện sớm và cứu sống bạn.

Lời khuyên: Để giúp tự kiểm tra, hãy nhớ từ viết tắt ABCDE khi đánh giá các thay đổi. A là viết tắt của bất đối xứng; B là thay đổi đường viền; C là thay đổi màu sắc; D là thay đổi đường kính, tăng kích thước; và E là chiều cao, phát triển theo chiều dọc hoặc tiến hóa, nốt tổn thương thay đổi theo thời gian. Nếu quan sát thấy bất kỳ điều nào trong số này, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

7. Thay đổi ngoài da ở những vùng khó thấy

Có bao nhiêu người (và phụ nữ và nam giới) kiểm tra da ở lưng, đỉnh đầu, sau tai hoặc bàn chân? Những khu vực này thường bị bỏ sót và cũng có nguy cơ bị ung thư da. Vết sọc sẫm màu theo chiều dọc của móng chân móng tay, cũng là một dấu hiệu khác thường dễ bị bỏ sót. Đó có thể là dấu hiệu của u hắc tố dưới da, một loại ung thư của móng tay.

Lời khuyên: Hãy đảm bảo kiểm tra toàn bộ cơ thể hàng năm để phát hiện những thay đổi mới hoặc bất thường hoặc những tổn thương trên da. Nếu chúng phát sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được đánh giá y tế và sinh thiết da nếu thấy cần thiết.

8. Mụn kéo dài

Ung thư da ở đầu và cổ đôi khi có thể trông giống như mụn bọc hoặc mụn nhọt.

Lời khuyên: Luôn theo dõi những nốt u cục mới. Nếu có nốt nào đó mới hoặc thay đổi và vẫn tồn tại sau hai tuần, hãy đến bác sĩ da liễu để kiểm tra.

9. Khàn giọng

Khàn giọng, còn được gọi là khó nói, có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản. Thường thì khàn giọng là do viêm thanh quản hoặc phải nói nhiều, nhưng nó có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư.

Hội Phẫu thuật đầu cổ và tai mũi họng Mỹ khuyên nên khám thanh quản bằng nội soi sau 4 tuần bị khàn tiếng dai dẳng. Khi ung thư thanh quản được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi rất cao.

10. Mảng trắng hoặc đỏ trong miệng

Nếu có mảng trắng hoặc đỏ trong miệng kéo dài hơn ba tuần, hãy chắc chắn đến gặp bác sĩ.

Để phát hiện sớm ung thư miệng, hãy đi khám bác sĩ răng hàm mặt hai lần một năm và hỏi xem liệu khám ung thư định kỳ có phải là một phần của việc thăm khám vệ sinh răng miệng hay không.

11. Kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt không đều có thể là dấu hiệu của ung thư, bao gồm ra máu rải rác hoặc thậm chí ra máu đều đặn vài ngày giữa các kỳ kinh, chỉ ra máu bất thường trong một kỳ kinh, kinh nguyệt ra quá nhiều, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, có kinh hoặc ra máu nhiều năm sau khi hết kinh.

Lời khuyên: Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy đi khám.

12. Đau vùng chậu mãn tính

Nếu phụ nữ bị đầy hơi tái đi tái lại hoặc bất kỳ loại đau bất thường nào ở vùng chậu - như cảm thấy no quá nhanh hoặc khó đi tiểu - thì nên đi kiểm tra. Bất kỳ triệu chứng mới nào xảy ra thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại đều cần được đánh giá.

Lời khuyên: Có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này một đến hai lần là bình thường, nhưng vượt quá mức đó sẽ trở thành vấn đề nên đi khám bác sĩ.

13. Chán ăn

Chán ăn đột ngột có thể là dấu hiệu của ung thư.

Lời khuyên: Điều quan trọng nhất là phải biết cơ thể của bạn. Bất cứ điều gì có vẻ khác biệt đều cần được kiểm tra.

14. Thừa cân

Nghiên cứu cho thấy 13 loại ung thư khác nhau có liên quan đến thừa cân. Theo CDC, gần 40% số ca ung thư được chẩn đoán ở Mỹ liên quan đến nguyên nhân gây béo phì.

Lời khuyên: Tất cả các dữ liệu đều chỉ ra tầm quan trọng của chế độ ăn dựa trên thực vật, bao gồm rau xanh, một phần nhỏ ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc. Tránh thực phẩm chế biến sẵn và chất béo bão hòa, cũng như đường.

15.Đau đầu "kiểu mới"

Nhiều người bị đau đầu, đôi khi hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Đối với hầu hết mọi người, những cơn đau đầu này đều có những biểu hiện giống nhau. Tuy nhiên, nếu bị cơn đau đầu "kiểu mới" chưa bao giờ gặp phải trước đó, ngay cả khi chỉ đau nhẹ, thì cũng cần được đánh giá. Khối u não có thể gây tăng áp lực trong não hoặc cản trở sự hấp thụ và phân bố dịch não tủy, dẫn đến đau đầu.

Lời khuyên: Nếu đang bị đau đầu mới khởi phát, hãy đến gặp bác sĩ.

16. Buồn nôn và nôn

Thông thường, buồn nôn ít hoặc không đáng lo ngại, thứ phát sau viêm dạ dày ruột do virus hoặc một bệnh cấp tính khác. Tuy nhiên, đôi khi buồn nôn và nôn dai dẳng có thể là do khối u não lớn dần và sẽ rất hữu ích nếu được bác sĩ thăm khám.

17. Đổ mồ hôi ban đêm

Phụ nữ thường nghĩ đây là triệu chứng mãn kinh hoặc tiền mãn kinh, nhưng đổ mồ hôi chủ yếu xảy ra vào ban đêm có thể liên quan đến các khối u ác tính khác nhau, chẳng hạn như ung thư hạch.

Lời khuyên: Hãy đi khám sức khỏe định kỳ, ít nhất một lần mỗi năm. Nếu có bất kỳ thay đổi đáng kể nào về sức khỏe, hãy liên hệ với bác sĩ và cho họ biết để xem có cần phải thực hiện thêm xét nghiệm nào hay không.

18. Đau mạn tính

Đau dai dẳng cũng có thể bị phụ nữ bỏ qua, phần lớn là do họ có xu hướng đặt bản thân xuống cuối cùng khi xét đến nhu cầu sức khỏe.

Lời khuyên: Đừng bỏ qua những vấn đề mới, và hãy tự kiểm tra càng sớm càng tốt. Đừng đặt mình cuối cùng trong các ưu tiên.

19. Khó thở

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ. Phụ nữ ít hút thuốc hơn nam giới, có nghĩa là cả bệnh nhân và thầy thuốc ban đầu có thể không nghĩ đến ung thư phổi. Loại ung thư phổi phổ biến nhất ở phụ nữ được gọi là ung thư biểu mô tuyến, thường có các triệu chứng như khó thở, sụt cân, đau ngực hoặc mệt mỏi.

Lời khuyên: Tăng cường nhận thức nhiều hơn có thể giúp cả bệnh nhân và thầy thuốc nghĩ đến ung thư phổi. Tất cả chúng ta đều biết cơ thể của mình, và nếu có điều gì không ổn, hãy yêu cầu giúp đỡ và chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời.

20. Chảy máu sau khi quan hệ

Đôi khi chảy máu sau khi quan hệ có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Nó có thể là một triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Nếu chảy máu sau khi quan hệ là một vấn đề dai dẳng, thì nó nên được đánh giá.

Theo CẨM TÚ (Dân Trí)

 

Liên kết hữu ích