An Giang hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh

12/07/2023 - 06:47

 - Nhằm tạo điều kiện để nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hỗ trợ vốn, vận động nông dân mạnh dạn khởi nghiệp trở thành doanh nhân nông thôn.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Hoạt động hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp hội. Từ đầu năm tới nay, các cấp hội phối hợp doanh nghiệp tổ chức 61 hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật với 1.958 hội viên, nông dân tham dự. Qua đó, đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước sử dụng năng lượng mặt trời; mô hình khép kín bắp - bò, cùng nhiều mô hình khác tại các địa phương với diện tích 88,7ha, tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng”.

Hội nông dân các cấp còn tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm trong, ngoài tỉnh, giúp nông dân có cái nhìn thực tế về những mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Từ đó, có thêm động lực, kiến thức thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao thu nhập.

Hội nông dân các cấp tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Ngọc Vỵ thông tin: “Giữa tháng 6/2023, chúng tôi tổ chức cho cán bộ, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi và các hợp tác xã trên địa bàn huyện tham quan học tập kinh nghiệm tại Hội quán nông dân tỉnh Đồng Tháp, mô hình du lịch sinh thái khép kín tại cồn Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang), mô hình vườn cây ăn trái lai tạo nhân giống tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Mục tiêu nhằm động viên cán bộ, hội viên nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết nhằm phát triển bền vững”.

Bên cạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hội nông dân các cấp còn tập trung hỗ trợ vốn cho nông dân, thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác. 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội trong tỉnh đã vận động mới Quỹ Hỗ trợ nông dân được 435 triệu đồng. Qua đó, đã thẩm định, phát vay 92 dự án cho 399 hộ, với tổng số tiền trên 7,08 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiến hành tập huấn nghiệp vụ về công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách tại huyện Chợ Mới và An Phú, với hơn 200 cán bộ hội cơ sở, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tham dự. Qua đó, giúp hiểu thêm về các chương trình tín dụng chính sách, hướng dẫn quản lý vốn ủy thác nhằm khai thác nguồn vốn đúng quy định, hỗ trợ nông dân hiệu quả.

“Trong mục tiêu hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, hội nông dân các cấp đã tổ chức tuyên truyền 52 cuộc với 1.820 lượt hội viên, nông dân tham dự. Triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án nông dân giỏi khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngoài ra, chúng tôi gửi 11 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt chứng nhận từ 3 sao, 4 sao, gồm: Mắm, các loại khô, bánh hạnh nhân, các loại đường thốt nốt, các loại trái cây sấy… tham gia giới thiệu tại Điểm trưng bày kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở TP. Hà Nội. Mục đích nhằm giới thiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của nông dân An Giang, giúp có thêm động lực khởi nghiệp từ những đặc sản quê hương” - ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết thêm.

Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp VNPT An Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân quảng bá, giới thiệu và mua bán nông sản qua sàn thương mại điện tử.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Hội Nông dân tỉnh tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh. Trọng tâm là tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2023; Hội nghị tổng kết đề án Quỹ Hỗ trợ nông dân; Hội nghị triển khai tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức đưa cán bộ, hội viên nông dân nghiên cứu học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài nước. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác hội và cập nhật kiến thức mới, công tác vận động, tuyên truyền cán bộ hội và lực lượng nòng cốt. Nhất là, tập trung vận động, hướng dẫn nông dân hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Vận động nông dân thực hiện sản xuất rau màu, thủy sản, trồng cây ăn trái theo các quy trình tiên tiến, thân thiện môi trường, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Việc cần thiết hiện nay là các cấp hội phải tranh thủ nguồn bổ sung ngân sách địa phương cho Quỹ Hỗ trợ nông dân hàng năm, song song với vận động sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân ngoài xã hội để tăng trưởng vốn nhằm tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh. Tích cực phát huy vai trò các doanh nhân nông thôn, xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn, nhằm quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh đến những thị trường tiềm năng trong và ngoài nước” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên phân tích.

THANH TIẾN