An Giang kiểm soát, bình ổn thị trường Tết

26/12/2022 - 05:54

 - Thời điểm này, doanh nghiệp (DN) và hệ thống siêu thị đang sôi động chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiều hệ thống phân phối lớn tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, các mặt hàng bán chạy.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa

Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết, chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu của mua sắm người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, đơn vị triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Qua đó, 24 DN chủ lực của tỉnh đã đăng ký tham gia, chuẩn bị lượng hàng với tổng số tiền dự trữ khoảng 1.374 tỷ đồng (tăng 17,2% so kết quả thực hiện năm trước), cùng 420 đại lý, cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn, bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 113 điểm bán hàng bình ổn thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… dự kiến tổng số tiền dự trữ khoảng 169 tỷ đồng; 307 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 1.205 tỷ đồng.

Lượng hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân dịp Tết

Cùng với lượng hàng hóa phong phú và dồi dào tại chợ truyền thống, siêu thị, điểm bán hàng bình ổn, năm nay, để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương An Giang còn phân bổ để DN tổ chức chuyến bán hàng lưu động, đưa mặt hàng thiết yếu mang thương hiệu Việt về nông thôn.

Thực hiện chương trình hợp tác, Sở Công Thương An Giang hỗ trợ, kết nối Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp với các điểm bán thịt heo tại chợ thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ, tạo điều kiện cho công ty mở rộng hệ thống cửa hàng, điểm bán thịt heo và trứng gia cầm trong toàn tỉnh.

Công ty cam kết đảm bảo tốt nguồn thịt heo, trứng gia cầm cho tỉnh, không để đứt gãy nguồn cung và không tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, khi thị trường có biến động, công ty vẫn đảm bảo duy trì 7 tấn heo thịt/ngày. Riêng 3 ngày cận Tết, công ty có thể tăng sản lượng 300% so với ngày thường, góp phần bình ổn thị trường.

Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Hệ thống phân phối triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá mặt hàng không biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn, lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi. Đó là nhận định của ngành chức năng về thị trường thời điểm này.

Theo dõi sát thị trường

Để đảm bảo hàng hóa cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, ngành công thương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, nhất là trước và sau Tết.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Từ đó, chủ động phương án hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, bộ, ngành liên quan triển khai biện pháp ứng phó kịp thời, nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo bình ổn thị trường Tết

Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, đơn vị sẽ tổ chức đoàn công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn; kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất - kinh doanh, chế biến thực phẩm trước, trong và sau Tết.

Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đề nghị sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá cuối năm 2022; báo cáo, đề xuất khó khăn, vướng mắc thông qua Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến trường hợp vượt thẩm quyền.

Trước đó, từ giữa năm 2022, UBND tỉnh An Giang  yêu cầu ngành chức năng tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi xảy ra biến động bất thường; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa thị trường.

Đối với các mặt hàng cụ thể (xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, thịt heo...), cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai đồng bộ giải pháp đã đề ra để ổn định mặt bằng giá cả thị trường.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định để đề xuất, tổ chức triển khai biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Hiện tại, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 5-6 cửa hàng tiện ích và 1-2 siêu thị cung ứng hàng hóa cho địa phương. Trong trường hợp thiếu nguồn hàng cung ứng cho người dân địa phương, DN có thể điều chuyển nguồn hàng từ siêu thị, cửa hàng tiện ích của địa phương khác cùng chung hệ thống để hỗ trợ nguồn cung, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của người dân.

HẠNH CHÂU