An Giang liên kết sản xuất, hướng đến nông nghiệp bền vững

20/07/2023 - 06:19

 - Mô hình “mặt ruộng không dấu chân” cùng sự tham gia tích cực của Công ty Cổ phần (CP) Tập đoàn Lộc Trời vào thành lập hợp tác xã (HTX) mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp An Giang. Khi doanh nghiệp (DN) và nông dân gắn kết chặt chẽ thông qua tổ chức kinh tế tập thể, nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng bền vững.

Khuyến khích liên kết

An Giang được xem là tỉnh tiên phong trong xây dựng “Cánh đồng lớn”, liên tục mở rộng diện tích liên kết trong khi địa phương có khuynh hướng giảm. Việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp chủ lực luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã có các quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trương Kiến Thọ cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 579/KH-UBND, ngày 6/7/2023 để triển khai Quyết định 854/QĐ-TTg, ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, toàn tỉnh có 209 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX, trong đó có 37 HTX và 2 liên hiệp HTX có nhân sự của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời tham gia quản lý, điều hành và liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời. Năm 2022, có 63 HTX, 2 liên hiệp HTX và 180 tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, DN, diện tích liên kết 123.089ha; lũy kế năm 2021-2022 khoảng 206.000ha. Các DN liên kết chủ yếu là: Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH An Thạnh, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty TNHH Phước Thịnh…

Hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời đang liên kết HTX Bình Thành (huyện Thoại Sơn) triển khai mô hình canh tác lúa an toàn “mặt ruộng không dấu chân”, được DN cam kết mức lợi nhuận tối thiểu từ 40 triệu đồng/ha/năm. Mô hình thực hiện sản xuất lúa gắn với ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ đầu vụ đến cuối vụ, giúp tiết kiệm lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất so với truyền thống từ 20 - 30%, hạn chế ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần Quyết định 854/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp tham gia vào hợp tác xã

Trên địa bàn huyện Phú Tân, HTX nông nghiệp Phú Thạnh là đơn vị triển khai hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Gần đây, HTX còn triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, tiếp nhận sự đầu tư, hỗ trợ thiết bị máy trộn phân hữu cơ của dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh”, HTX đã mở rộng thêm dịch vụ sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm rơm rạ sau thu hoạch lúa để tạo ra giá trị tăng thêm trong chuỗi sản xuất.

Theo đó, HTX tiến hành thu mua rơm, hợp đồng mua bán với các hộ trồng nấm rơm trên địa bàn, thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý ủ, trộn rơm rạ (sau khi trồng nấm) tạo ra sản phẩm mới là phân hữu cơ an toàn cho cây trồng, cung cấp ra thị trường. Mô hình giúp tăng hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường (phát thải, ô nhiễm môi trường). Đây là hoạt động mới, ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng tối đa tài nguyên trong thích ứng với biến đổi khí hậu, đang được Sở NN&PTNT thí điểm, đánh giá hiệu quả để hoàn thiện và nhân rộng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, tỉnh đang tăng cường hợp tác với các DN để giúp HTX kết nối sản xuất và tiêu thụ, từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất, mua bán theo đơn đặt hàng của đối tác, với giá bán cam kết rõ ràng ngay từ đầu. Khi DN tham gia HTX, nông dân thực hiện “mua chung - bán chung”, được mua vật tư nông nghiệp với giá hợp lý, nợ cuối vụ, chất lượng vật tư được bảo đảm, sản phẩm được hỗ trợ bao tiêu đầu ra.

Điển hình như ngày 16/7/2020, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về xây dựng thương hiệu gạo An Giang, phát triển chuỗi giá trị từ gạo, phát triển mới 200 HTX nông nghiệp gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, nếp, rau màu và cây ăn trái; phát triển các THT, câu lạc bộ nông dân, cung ứng dịch vụ nông nghiệp và thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngày 8/2/2022, tiếp tục ký kết với Công ty CP Tập đoàn Tân Long, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với HTX, THT; thu mua khoảng 100.000 tấn lúa/vụ.

Tháng 10/2022, Sở NN&PTNT An Giang ký kết với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp, dịch vụ nông nghiệp, chuyển đối số trên địa bàn tỉnh. Ngày 24/6/2023, tiếp tục ký kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang Angimex, phối hợp thực hiện sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp giai đoạn 2022-2025; liên kết thông qua HTX khoảng 3.0000ha/năm, liên kết thông qua cộng tác viên và thương lái khoảng 30.000ha/năm.

An Giang khuyến khích các DN tham gia vào hoạt động của HTX bằng nhiều hình thức (vốn góp, nhân sự giỏi quản lý, điều hành HTX, tư vấn kỹ thuật) để hình thành các HTX kiểu mới và từng bước xây dựng, phát triển chuỗi giá trị liên kết ổn định, bền vững. Tỉnh khuyến khích các HTX thành lập liên hiệp HTX có quy mô lớn về sản lượng hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường.

 

NGÔ CHUẨN