Huấn luyện nâng cao năng lực của hợp tác xã
Tham quan hợp tác xã trên địa bàn tỉnh
Dự án góp phần thực hiện các mục tiêu về tăng thu nhập và việc làm từ lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy kinh doanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công ty tư vấn GFA (Đức) phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn An Giang tổ chức đoàn công tác đi tham quan, nắm tình hình thực tế các HTX sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện Châu Thành và Thoại Sơn. Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án GIC.
Theo đó, Công ty tư vấn GFA phụ trách 2 hợp phần: Đào tạo nâng cao năng lực cho 17 HTX lúa gạo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh và đào tạo kinh doanh cho nông dân. Chủ đề trọng tâm của 2 hợp phần này là: Quản trị HTX, lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, quản lý tài chính, marketing và quản lý thị trường…
Theo chị Kamila Tovbaeva (Điều phối viên hợp phần Nâng cao năng lực HTX và kinh doanh cho nông dân, Công ty tư vấn GFA - Đức), mục đích của 2 hợp phần công ty phụ trách là giúp HTX nâng cao năng lực kinh doanh, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được các dịch vụ phục vụ cho sản xuất tốt nhất. Đồng thời, duy trì giúp nông dân sản xuất lúa bền vững và cung cấp ra thị trường những hạt gạo chất lượng cao.
Với đội ngũ cố vấn kinh doanh nông nghiệp, chuyên gia trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của HTX nhiều hơn nữa. Từ đó, các HTX có thể chủ động trong sản xuất, nâng cao năng lực trong kinh doanh.
Ở hợp phần kỹ thuật, dự án có những lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của các trường đại học, viện hoặc những cán bộ của tỉnh thực hiện những hoạt động phát triển cho HTX. Như vậy, đến khi dự án hoàn thành “sứ mệnh” vẫn còn đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm để tiếp tục duy trì, đào tạo chuyên nghiệp trong khu vực, cán bộ các tỉnh có chuyên môn về HTX để hỗ trợ tiếp tục.
Trong chủ đề quản trị HTX, sẽ tập trung vấn đề minh bạch trong HTX, làm thế nào để lãnh đạo với các xã viên đồng thuận, cùng chia sẻ khối lượng công việc và lợi ích từ HTX. “Không chỉ đào tạo cho lãnh đạo HTX, dự án lần này còn hướng tới đào tạo cho nông dân biết làm kinh doanh.
Giúp nông dân tính toán lợi ích trong việc trồng lúa, sử dụng các phụ phẩm từ lúa để có thu nhập cao hơn; thay đổi tư duy theo kiểu làm nông là “cha truyền con nối” sang tư duy làm nông là 1 hoạt động kinh doanh và nông dân là doanh nhân. Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2023, đào tạo 8.000 nông dân nồng cốt ở 6 tỉnh, thành phố làm kinh doanh. Đây có thể là 90 HTX kiểu mẫu để các HTX, các tỉnh khác làm theo” - chị Kamila Tovbaeva nhấn mạnh.
Trong chuyến công tác, đoàn đã đến tham quan HTX nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), HTX nông nghiệp Tây Phú và HTX nông nghiệp Bình Thành (huyện Thoại Sơn). Tại những nơi đến, đoàn đều lắng nghe chia sẻ, đề xuất và sáng tạo về phương án kinh doanh, sản xuất của các HTX.
Điển hình, HTX nông nghiệp Bình Thành là một trong những HTX làm ăn hiệu quả, liên kết sản xuất cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Hiện tại, HTX nông nghiệp Bình Thành được đầu tư cơ giới hóa cơ bản và phát triển tốt, từ khâu sạ lúa, phun thuốc… đều sử dụng máy drone (thiết bị bay không người lái).
Bên cạnh đó, nông dân còn tham gia tập huấn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, “1 phải, 5 giảm”, hạ giá thành, tăng lợi nhuận... HTX đang liên kết cùng Tập đoàn Lộc Trời sản xuất với diện tích 964ha. Trong đó, mô hình “mặt ruộng không dấu chân” 200ha, phần diện tích còn lại được sản xuất theo mô hình Lộc Trời truyền thống.
Hiện nay, HTX đang trình diễn trồng lúa mùa hương lài, với diện tích 3.000m2. Mô hình canh tác lúa này có thể sinh trưởng trong lũ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và có thể dẫn dụ cá tự nhiên vào ở. Do vậy, thời gian tới, năng suất lúa đạt khoảng 4 tấn/ha thì sẽ mở rộng diện tích, phát triển mô hình lúa - cá. Tuy nhiên, khi được tham gia vào dự án GIC, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Bình Thành Nguyễn Thanh Giang rất phấn khởi và mong muốn được học hỏi nhiều hơn.
“HTX hướng đến đầu tư máy drone, xây dựng phương án để phục vụ cho HTX, nông dân. Để làm được điều này, cần nhất là nguồn vốn cũng như những kế hoạch kinh doanh lâu dài, hiệu quả. Từ đó, các xã viên trong HTX và nông dân liên kết sản xuất, dù làm nông nghiệp cũng khỏe hơn. Vì chỉ cần ngồi ở nhà, điều khiển trên điện thoại là đã có thể canh tác lúa đạt năng suất cao và giá cả ổn định, đảm bảo đầu ra vì có liên kết với công ty” - ông Giang chia sẻ.
UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch tổng thể tham gia thực hiện dự án khu vực “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” trong 4 năm (2022-2025), với 2 ngành hàng tham gia chính, gồm: Lúa gạo và xoài, triển khai thực hiện tại các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới và An Phú. |
ÁNH NGUYÊN