An Giang phát triển khoa học - công nghệ để bứt phá

14/09/2022 - 06:51

 - 10 năm qua, An Giang triển khai hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Từ đó, góp phần quyết định nâng cao tốc độ tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

Giám đốc Sở KHCN  An Giang Tầng Phú An cho biết, đầu tư, ứng dụng KHCN, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, rau màu…). Hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa nền hành chính và các lĩnh vực kinh tế, xã hội… phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống góp phần tăng năng suất, tạo sản phẩm có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao và tăng cường tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập ở các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, hàng hóa xuất khẩu.

Cụ thể, tỉnh ứng dụng hiệu quả đề tài khoa học xây dựng thủy lợi về thiết kế kênh mương tưới tiêu nội đồng, đê bao chống lũ kết hợp giao thông nông thôn, thoát lũ ra Biển Tây... khai thác hiệu quả tài nguyên đất của vùng Tứ giác Long Xuyên.

Tỉnh chọn tạo được các bộ giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; hoặc thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp cho vùng trồng tránh lũ; giống có khả năng chịu ngập, chịu hạn, chống chịu được sâu bệnh hại chính và có phẩm chất tốt; giống lúa thơm; giống chống chịu rầy nâu; chịu thâm canh... góp phần phát triển lĩnh vực sản xuất - kinh doanh lúa giống.  

Trình độ KHCN của An Giang đang được nâng cao qua các năm, nằm ở mức khá so với khu vực ĐBSCL và mức trung bình cả nước. Các lĩnh vực nghiên cứu ngày càng được tỉnh quan tâm phát triển đồng bộ. Hầu hết đề tài lồng ghép ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng biến đổi khí hậu. Nguồn nhân lực KHCN phát triển về số lượng và chất lượng với hơn 2.000 người. Các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN, đổi mới công nghệ góp phần phát triển ngành nghề ổn định, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.

Từ năm 2013-2020, ngành KHCN thực hiện 279 đề tài, dự án trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn - du lịch, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược. Từ 2015 đến nay, đã chuyển giao 165 nhiệm vụ KHCN cho các bên đặt hàng, ứng dụng vào thực tiễn.

Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh hỗ trợ chi phí đăng ký 140 nhãn hiệu cá thể, 10 nhãn hiệu tập thể, thanh lý hỗ trợ 4 nhãn hiệu tập thể, 15 kiểu dáng công nghiệp và 5 giải pháp hữu ích; 967 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Tỉnh hỗ trợ 10 đơn vị xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001:22015; ISO 22.000:2005; ISO 9001:2015) và công cụ nâng cao năng suất chất lượng (5S).

Đồng thời, thành lập Phòng Giao dịch công nghệ năm 2015, kết nối cung và cầu chuyển giao trên 50 công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế về KHCN, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nền kinh tế tri thức của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư kiến nghị: “Tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho DN phát triển. Tuy nhiên, Trung ương cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho tỉnh, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển DN KHCN; có cơ chế chính sách đối với người trồng lúa trong bảo đảm an ninh lương thực; hỗ trợ tỉnh hình thành trung tâm nghiên cứu sản xuất chuyển giao công nghệ giống, canh tác rau, hoa, dược liệu phục vụ ĐBSCL...”.

Qua khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh đánh giá cao An Giang triển khai nghiêm túc Nghị quyết 20-NQ/TW. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đầu tư thực hiện KHCN, đạt nhiều kết quả tích cực; sáng tạo, linh hoạt trong cách lựa chọn hướng đi đầu tư lĩnh vực mang tính chủ lực, có thế mạnh như cây lúa, cá tra. Đồng thời, tranh thủ tốt sự đầu tư của DN, viện, trường; kêu gọi được nhiều DN lớn đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh ở An Giang, làm đầu tàu giúp địa phương phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực KHCN của tỉnh còn hạn chế, xã hội hóa KHCN khó khăn. Để phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, ông Đặng Xuân Thanh đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của DN, cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới công nghệ thông tin, phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cần lấy DN làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy sự nghiệp KHCN phát triển nhanh và bền vững...

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích