Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, tính đến ngày 22/9/2023, toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm vụ thu đông 2023, với diện tích 156.064ha, đạt 105,35% so kế hoạch xuống giống 148.133ha, cao hơn 3.164ha so cùng kỳ năm 2022. Lúa phát triển giai đoạn mạ 17.238ha, đẻ nhánh 75.609ha, làm đòng 46.318ha trổ 16.899ha, tiến độ xuống giống cao hơn so vụ thu đông 2022. Việc tăng diện tích xuống giống cao hơn kế hoạch cho thấy, kỳ vọng của nông dân về một vụ lúa “trúng mùa, được giá” khi nguồn cung gạo trên thế giới vẫn đang thiếu, giá xuất khẩu tăng.
Căn cứ khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân tập trung canh tác các giống lúa có giá trị cao, được doanh nghiệp thu mua nhiều, như: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… Bên cạnh đó, nông dân còn sử dụng các nhóm giống có triển vọng để thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, như: Lộc Trời 28, OM34, OM418... Do giá lúa cao, nhiều doanh nghiệp chủ động “đặt hàng” nông dân từ sớm. Nông dân trong tỉnh tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, SRP, VietGAP, GlobalGAP... nhằm tăng chất lượng, giá trị hạt gạo.
Với diện tích xuống giống 156.064ha, năng suất lúa bình quân khoảng 6,23 tấn/ha, vụ thu đông 2023 có thể đạt sản lượng gần 1 triệu tấn. Trong đó, huyện Thoại Sơn tiếp tục dẫn đầu với diện tích 37.120ha, sản lượng dự kiến 244.992ha; huyện Châu Thành 23.461ha, 154.843 tấn; huyện Châu Phú 22.000ha, 143.000 tấn; huyện Tri Tôn 19.432ha, 102.990 tấn; huyện Phú Tân 12.256ha, 74.762 tấn; huyện Chợ Mới 9.985ha, 60.909 tấn; TX. Tân Châu 5.947ha, 37.466 tấn; TX. Tịnh Biên 5.816ha, 30.825 tấn; huyện An Phú 5.531ha, 33.739 tấn; TP. Châu Đốc 5.078ha, 30.468 tấn; TP. Long Xuyên 1.507ha, 9.042 tấn.
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Trần Văn Hiền cho biết, để thực hiện thắng lợi vụ thu đông, nông dân, hợp tác xã cần triển khai và thực hiện tốt Quyết định 73/QĐ-TT-VPPN, ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt về ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Địa phương cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa đối với các vùng đã có hợp tác xã, tổ hợp tác chưa được cấp mã số, nhằm tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu.
Chi cục TT&BVTV An Giang tiếp tục khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha), trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ. Ngành chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe, tăng tính chống chịu tự nhiên như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic…
Cán bộ chuyên môn cùng với nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn; phối hợp chính quyền địa phương vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất trồng lúa đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nằm ngoài lịch khuyến cáo (chuyển sang trồng màu ngắn ngày) để tránh ảnh hưởng đến vụ đông xuân 2023 - 2024. Đồng thời, phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của địa phương kịp thời thông báo về tình hình, diễn biến dịch hại, ảnh hưởng của mưa, bão, ngập úng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về các biện pháp phòng, chống dịch hại, biện pháp đối phó tình hình mưa bão để người dân biết và chủ động thực hiện, đảm bảo thắng lợi vụ lúa thu đông 2023.
Cùng với cây lúa, vụ thu đông 2023 cũng có kế hoạch sản xuất 14.938ha rau màu. Tính đến ngày 21/9/2023, nông dân đã xuống giống 8.041ha, đạt 53,83% kế hoạch (thấp hơn 1.724ha so cùng kỳ năm 2022), gồm các loại: Bắp trắng, bắp ngọt, khoai mì, các loại rau ăn lá, dưa hấu và rau ăn trái. Nguyên nhân xuống giống chậm do mưa lớn trên diện rộng. Đến nay, đã thu hoạch được 940ha, chủ yếu là bắp trắng và rau ăn lá các loại, thấp hơn 2.026ha so cùng kỳ. |
HOÀNG XUÂN