Ông Minh phấn khởi vì vùng đất khô cằn ngày nào giờ đã thành vườn cây ăn trái
Ông Minh là một trong những hộ ở xã Vĩnh Trạch tiên phong chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Những năm qua, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng các loại cây có múi, ông Minh đã quyết định trồng cây cam (cam xoàn, cam mật), chanh đào và bưởi… để nâng cao thu nhập. Sau thời gian chuyển đổi đã gặt hái được những thành công, vì các loại cây trên đều trong quá trình sinh trưởng và phát triển tốt. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh cho hay: “Gia đình tôi đầu tư hơn 180 triệu đồng cho trên 6,3 công đất không hiệu quả ban đầu sang trồng cây cam, chanh và bưởi da xanh ruột hồng. Sau hơn 1 năm chăm sóc, mô hình trồng xen kẽ các loại cây ăn trái đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi tin rằng, thời gian tới, mô hình trồng cây có múi theo hình thức xen canh sẽ cho năng suất, thu nhập cao”.
Đưa chúng tôi thăm vườn cây ăn trái của mình, bác nông dân khoe từng gốc bưởi tươi tốt đến những trái cam chín mọng với nụ cười rất tươi. Nhìn vườn cây xanh mướt với nhiều trái trĩu cành, chúng tôi có thể hiểu được niềm vui của ông Minh. Theo đó, để có đủ tự tin chuyển đổi cây trồng, ông Minh đã tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi đang trồng các loại cây có múi rất phát triển trong và ngoài tỉnh. Từ cách xuống giống trồng cây, đến việc tìm hiểu cây trồng nào thích hợp trên đất của mình. Rồi mua cây giống như thế nào cũng khiến ông Minh mất nhiều thời gian để nghiên cứu. Đến khi thật sự vững chắc với những gì mình đã học hỏi và tìm hiểu, ông Trần Hoàng Minh mới cải tạo đất, bắt đầu với ước mơ biến 6,3 công đất lúa kém hiệu quả trước đây thành vùng đất… “nở hoa”. Thế là, vừa xong vụ đông xuân 2016, ông Minh đã chuyển sang trồng cây ăn trái trên 6,3 công đất lúa vốn rất bấp bênh khi xưa. Nghĩ là làm, trên diện tích ấy, ông đã trồng 200 gốc bưởi, 200 gốc chanh và 300 gốc cam. Để cây trồng phát triển tốt, khỏe mạnh khi đặt xuống đất, ông Minh cho rằng, cần phải chọn những cây giống chất lượng và không quá nhỏ.
“Để cây giống ít bị hao hụt, khi bắt đầu trồng, tôi phải chờ đến tháng 5 (âm lịch) vì lúc đó thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho cây xuống đất mau phát. Cây có múi rất ưa nước nhưng cách tưới tốt nhất là từ trên xuống, không được tưới trực tiếp vào gốc để tránh rễ cây bị ứ nước. Trong các cây thì cam xoàn là khó chăm sóc nhất, bởi trái dễ bị khô đầu cuống. Bệnh thối khô cuống xuất hiện và gây hại khá nghiêm trọng, làm khô cuống và rụng trái vào giai đoạn gần thu hoạch, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất. Cần thăm vườn thường xuyên nhằm phát hiện bệnh kịp thời để có biện pháp xử lý sớm, hạn chế bệnh lan rộng trên vườn cam. Tuy nhiên, giống cam xoàn có ưu điểm trái tròn, vỏ mỏng, ít hạt, thơm và độ ngọt cao nên được trồng nhiều bởi giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định. Với mô hình lấy ngắn (cam, chanh) nuôi dài (bưởi), tôi tin việc chuyển đổi cây trồng của mình đi đúng hướng!” - ông Minh chia sẻ.
Theo đó, cây bưởi từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 4 năm. Trong khi đó, cây chanh chỉ giáp năm là người trồng đã thu hoạch đợt trái đầu tiên. Ông Minh cho biết, mỗi đợt thu hoạch chanh từ 400 - 500kg, trừ chi phí còn hơn 10 triệu đồng. Mỗi năm, cây chanh cho 2 đợt thu hoạch rộ. Cam mật cũng thu hoạch khá sớm. Một năm, cây cam mật cho 2 đợt thu hoạch, giá khoảng 10.000 đồng/kg. Trong thời gian chờ bưởi phát triển, nguồn thu từ cam xoàn, cam mật và chanh giúp ông trang trải nhiều chi phí. Bưởi da xanh ruột hồng tuy có giá thị trường khá cao nhưng đến tận 4 năm mới có thể thu hoạch. Thời gian đó, người nông dân phải linh hoạt để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Cũng theo ông Minh, đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, vườn bưởi nhà ông đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Vì là lứa đầu, còn dưỡng cây nên lượng trái thu hoạch ước hơn 200kg.
Về lâu dài, với mô hình lấy ngắn nuôi dài như hiện tại, ông Minh cho rằng gia đình sẽ “sống khỏe” hơn rất nhiều, bởi kinh nghiệm chăm sóc cây đã có. Ông Minh cho biết, luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm đã học và tích lũy được để những nông dân có nhu cầu chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đều đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN