Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, huyện Châu Phú luôn đề ra kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn, từng năm trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá, theo dõi tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện Châu Phú còn chỉ đạo UBND các xã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo đúng lộ trình, kế hoạch đã được đề ra. Châu Phú xác định xây dựng NTM cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, từ đó đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và người dân trên địa bàn huyện hiểu đầy đủ chủ trương, chính sách của nhà nước về xây dựng NTM, đồng thời lồng ghép vào các cuộc vận động để các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ, hưởng ứng phong trào. “Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng NTM nên khi chính quyền địa phương phát động thực hiện các công trình chúng tôi tích cực tham gia. mục đích của việc xây dựng NTM là để thay đổi diện mạo quê hương và nâng cao đời sống cho người dân” - ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Khánh Hòa) bày tỏ.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới
Một trong những kết quả nổi bật của huyện Châu Phú trong xây dựng NTM là công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện các công trình sửa chữa, xây cầu, đường nông thôn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Giai đoạn 2011-2019, từ nhiều nguồn vốn, Châu Phú đã đầu tư 175 tuyến đường (dài trên 458km), trong đó có 13 tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện, 34 tuyến đường liên ấp, 20 tuyến đường dân sinh, nội bộ, 108 tuyến đường trục chính nội đồng. Xây dựng 159 cây cầu (tổng chiều dài 5.698m), trong đó có 75 cầu bê-tông cốt thép, 33 cầu sắt, 15 cầu gỗ và 36 cầu treo. Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, áp dụng hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” khơi dậy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” trong dân. Gần 10 năm qua, Châu Phú đã cất mới và sửa chữa 3.788 căn nhà và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình quan tâm, tự chỉnh trang sửa chữa nhà ở đạt chuẩn theo quy định, đến nay đã có 8/12 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư; trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, dột nát.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa, hạ tầng thương mại, Châu Phú còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Là một trong số những nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả, ông Nguyễn Bá Ngân (xã Bình Mỹ) cho biết: “Từ 6ha đất trồng lúa kém hiệu quả, tôi chuyển sang trồng cam xoàn, kết hợp nuôi cá tự nhiên và trồng thêm các loại cây khác, chỉ sau đợt thu hoạch đầu tiên đã cho lợi nhuận khá cao, hiện đang tiếp tục thu hoạch đợt thứ hai”. Tính đến năm 2019, diện tích cây ăn trái của huyện Châu Phú đạt 1.040ha, tăng 816ha so năm 2011; thu nhập mang lại cho người dân từ 52 đến 234 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 25.383ha lúa được liên kết sản xuất và tiêu thụ (chiếm khoảng 10% diện tích lúa toàn huyện).
Nâng cấp hạ tầng giao thông góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn
Đến nay, huyện Châu Phú đã có 6/12 xã đạt chuẩn NTM, bao gồm: Bình Thủy, Mỹ Đức, Bình Chánh, Bình Mỹ, Khánh Hòa, Vĩnh Thạnh Trung, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm xã Ô Long Vĩ đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 12 xã đạt trên 54 triệu đồng/người/năm, tăng gần 3,5 lần so năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, từ 9,83% năm 2011 đến cuối năm 2018 giảm còn 1,8%. Thời gian tới, Châu Phú sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức dân chung tay xây dựng NTM, tập trung vào những chỉ tiêu không cần hoặc cần ít vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đảm bảo an sinh xã hội; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân....
MỸ LINH