Chính phủ hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022

05/01/2022 - 14:27

 - Ngày 5-1, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, để tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu Trung ương

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh An Giang

Lãnh đạo tỉnh An Giang tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh An Giang

Tham dự hội nghị có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh An Giang có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình.

Năm 2021, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chia sẻ, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình, tạo đột phá về bao phủ vaccine, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; ước cả năm thực hiện đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84% so với năm trước; tăng trưởng kinh tế tăng 2,58%.

Thu ngân sách nhà nước cả năm đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt dự toán (16,4%); bội chi ngân sách nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so ự toán Quốc hội quyết định (4% GDP). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, trong đó, xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam...

Năm 2022, bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, 171 nhiệm vụ cụ thể, nhằm thực hiện hiệu quả 15 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 32/2021/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời, Chính phủ cũng đề ra 82 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực bên cạnh 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao và xây dựng Nghị quyết, tập trung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, nhằm nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.

MỸ LINH – DUY ANH