Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả canh tác

06/10/2021 - 04:50

 - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng hiệu quả sử dụng đất

Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2021-2025 vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký phê duyệt, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ chuyển đổi 34.081,59ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn trái. Trong đó, nhóm rau dưa các loại là 7.108,3ha, nhóm cây màu 12.764ha và nhóm cây ăn trái 14.209,29ha.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với định hướng quy hoạch và phát triển các loại giống cây trồng ở từng địa phương, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Về nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuyển đổi nhưng không được làm mất các yếu tố phù hợp để trồng lúa, khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn.

Đối với cây trồng chuyển đổi, phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng hiện có của địa phương, hạn chế đầu tư lớn và phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái cho hiệu quả cao

Trong 7.108,3ha đất lúa chuyển đổi sang trồng rau dưa các loại, tập trung vào cây ớt, cây đậu bắp Nhật, đậu nành rau, bắp thu trái non và các loại rau dưa khác. Đối với 12.764ha chuyển đổi trồng màu, chủ yếu là: cây mè, cây bắp các loại, cây thuộc nhóm họ đậu và nhóm cây có củ, cây cao lương... UBND tỉnh yêu cầu chuyển đổi các loại cây này trên nền 3 vụ lúa sang “2 lúa - 1 màu” hoặc từ 2 vụ lúa sang “1 lúa - 1 màu” (chủ yếu ở vụ hè thu) ở những khu vực có thổ nhưỡng thích hợp với cây mè, cây bắp và cây họ đậu. Tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường có thể chuyển đổi các loại cây cho phù hợp.

Riêng cây cao lương chủ yếu là tạo vùng nguyên liệu để phục vụ cho dự án điện sinh khối cho Tập đoàn Tín Thành, phát triển vùng nguyên liệu song song với việc xây dựng nhà máy xử lý và phát điện sinh khối tại tỉnh An Giang. Các diện tích này được thực hiện đối với vùng đất nghèo dinh dưỡng, bạc màu, đất phèn… không phát huy được hiệu quả khi canh tác lúa và các loại hoa màu khác, chủ yếu tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

Đối với 14.209,29ha diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn trái trên nền đất lúa giai đoạn 2021-2025, tập trung chủ yếu vào các cây: chuối, xoài, mít, nhãn, sầu riêng, cây có múi…

Chú trọng chất lượng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu, cần phải xác định thị trường của sản phẩm và căn cứ vào điều kiện hạ tầng cơ sở của mỗi địa phương, đối với từng vùng thổ nhưỡng khác nhau để xác định quy mô, cây trồng chuyển đổi phù hợp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về nguồn giống chất lượng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm giá thành; hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi. Từng địa phương cần rà soát, bổ sung các sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện thực tế.

Các ngành chuyên môn cần thường xuyên dự báo thông tin thị trường cung - cầu mặt hàng nông sản. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp (DN) tham gia hình thành các mô hình hợp tác xã kiểu mới để có được sự hỗ trợ về nhân sự, tiềm lực vốn, kỹ thuật sản xuất, được liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời về việc thành lập mới các hợp tác xã, giúp tạo vùng nguyên liệu ổn định để tổ chức sản xuất theo quy mô và tiêu chuẩn của DN tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị khép kín. Các sở, ngành, địa phương tăng cường mời gọi và hỗ trợ DN đầu tư vào các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của DN, tỉnh vận dụng các chính sách ưu đãi từ nguồn hỗ trợ về vốn để “tiếp sức” cho DN, người dân…

Định hướng đến năm 2030, An Giang thực hiện chuyển đổi các mô hình rau màu, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên các diện tích có điều kiện hạ tầng thuận lợi cho chuỗi liên kết với DN. Đồng thời, tiếp tục duy trì và khuyến khích các diện tích cây ăn trái có hiệu quả, tiến đến hình thành ít nhất 2 vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái có liên kết với DN theo chuỗi giá trị hàng hóa.

 

NGÔ CHUẨN