Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai

20/04/2023 - 16:53

 - Chiều 20/4, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì. Tại điểm cầu tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh An Giang

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thời gian qua, mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đạt những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, trong đó, cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng kỳ tại tỉnh Hòa Bình (từ 39 đến 410C).

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật và xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành từ Trung ương đến cơ sở…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã tham luận về công tác xử lý sạt lở bờ sông. Theo ông Trần Anh Thư, cũng như một số tỉnh ở ĐBSCL bị sạt lở bờ sông, thời gian gần đây, An Giang bị sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng về quy mô, tầng suất.

Cụ thể, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 68 điểm sạt lở, sụt lún và răn nứt bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 3.279m, ảnh hưởng 40 căn nhà. Để thực hiện tốt công tác xử lý sạt lở bờ sông, thời gian qua, An Giang tăng cường công tác phòng ngừa, cảnh báo sạt lở; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ứng phó khi có sạt lở và thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả sạt lở…

THU THẢO