Đại biểu Quốc hội An Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

10/11/2021 - 18:35

 - Chiều 10-11, tiếp tục phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động- thương binh và xã hội.

Cụ thể, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc thực hiện gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc...

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh có ý kiến chất vấn trong phiên họp. Tại An Giang, hiện có trên 70.000 người dân trở về quê “tránh dịch”, làm phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội; người lao động bị mất việc làm, thu nhập bấp bênh. Đề nghị Bộ trưởng thông tin về những chính sách của Chính phủ và bộ hỗ trợ người lao động trở về quê? Liên quan đến Nghị quyết 68/NQ-CP và các chính sách hỗ trợ lao động tự do, đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả triển khai đến thời điểm hiện nay. Tại sao cũng là lao động tự do, nhưng có nơi được hỗ trợ, nơi không?

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn: Theo thống kê chính thức, đã có khoảng 1,3 triệu người lao động trở về quê, chiếm 60% tổng số người dân di chuyển từ các thành phố lớn, vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê. Khoảng 30% đăng ký nhu cầu quay trở lại làm việc; 30% muốn chuyển sang làm việc ở lĩnh vực khác, địa bàn khác; còn lại muốn ở lại quê.

Sau khi trao đổi với các địa phương, Bộ trưởng nhận thấy: Các địa phương có sự kết nối, vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở về quê; chủ động liên kết giới thiệu việc làm cho người lao động; tạo việc làm tại chỗ; khuyến khích lao động quay trở lại nơi làm việc cũ. Thiết nghĩ, thời gian này, cần tập trung triển khai chính sách giảm nghèo, cho vay, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 42, trong Nghị quyết 68, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Phải tạo ra sự linh hoạt cho địa phương. Bộ trưởng đã đề xuất, Chính phủ chỉ quy định sàn mức hưởng cho lao động tự do, còn đối tượng và mức hưởng do địa phương xem xét quyết định trên cơ sở ngân sách, đối tượng cụ thể và thực tiễn. Đến nay, Nghị quyết 68 đã hỗ trợ gần 13 triệu lao động tự do ở 56 tỉnh, thành phố; tổng kinh phí gần 17.000 tỷ đồng.

Xuất hiện tình trạng cùng là lao động tự do, nhưng có nơi được hưởng, nơi không là do phụ thuộc vào quy định, chính sách của địa phương đó, ngân sách chi hỗ trợ. Một số địa phương không còn ngân sách dự phòng, chậm hỗ trợ cho đối tượng. Bộ trưởng sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68, báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn.

Trước đó, chiều 9-11, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đã phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội, liên quan đến tháo gỡ khó khăn về giá thành nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

GIA KHÁNH