Đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường Tết

31/12/2020 - 05:04

 - Tết Nguyên đán đang cận kề, các làng nghề, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh An Giang bắt đầu gia tăng hoạt động sản xuất. Người sản xuất đang “chạy đua” với thời gian để có được nhiều sản phẩm hàng hóa tốt, còn người tiêu dùng mong muốn có được sản phẩm ưng ý, phù hợp nhu cầu, chất lượng.

Những ngày cuối năm, đến với làng nghề làm bánh phồng Phú Mỹ (thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) có thể cảm nhận được không khí tất bật, hối hả của người dân nơi đây. Trên khắp các con đường, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang tất bật với các công đoạn làm bánh, phơi bánh, cùng với đó là tiếng cười nói vui vẻ báo hiệu một mùa làm ăn nữa lại về.

Ông Trần Văn Xuân (đại diện làng nghề bánh phồng Phú Mỹ) cho biết, làng nghề hiện có 17 cơ sở SXKD. Mỗi cơ sở thu hút 7-8 lao động địa phương. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng từ thời điểm giữa tháng 11 là hoạt động mạnh nhất. Ngày thường, mỗi cơ sở làm 8-10 ổ bánh, đến dịp Tết Nguyên đán thì số lượng sản xuất tăng lên gấp 2-3 lần.

Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, như: mè ăn sống, bánh sữa, bánh ngò, bánh nướng, bánh mè đen. Giá bán các sản phẩm từ 7.000-20.000 đồng/chục, đến Tết thì giá có “nhích” lên một chút, do giá nhân công và nguyên vật liệu đầu vào tăng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở khắp các tỉnh ĐBSCL, kể cả xuất khẩu sang nước bạn Campuchia.

Các cơ sở sản xuất - kinh doanh đang tất bật vào vụ sản xuất quan trọng trong năm

Cũng theo ông Xuân, những năm gần đây, hầu hết các cơ sở SXKD trong làng nghề đều được cơ giới hóa các khâu sản xuất, từ quết bánh đến cán bánh phồng. Chính nhờ đã cơ giới hóa nên các cơ sở giảm chi phí sản xuất rất nhiều, giảm được cả thời gian và nhân lực, sản phẩm tạo ra đồng đều hơn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh các sơ sở sản xuất mặt hàng thực phẩm, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bắt đầu tất bật với các đơn hàng trong dịp cuối năm. Tại làng nghề mộc Mỹ Luông, các cơ sở SXKD đang khẩn trương làm việc cho “mùa vụ” chính trong năm.

Anh Trần Phước Trí (chủ cơ sở Thanh Tím, ngụ ấp Thị 2) cho biết, nghề mộc nơi đây hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm nhất là từ đầu tháng 11 (âm lịch); sản phẩm của cơ sở làm ra khá đa dạng, như: tủ thờ, tủ quần áo, tủ rượu, bàn, ghế, giường… Các mặt hàng làm từ gỗ được thiết kế tinh xảo trên các loại gỗ từ phổ thông đến các loại đắt tiền, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của đông đảo khách hàng.

Anh Trí chia sẻ: “Thời gian gần đây, nhu cầu mua sắm đồ gỗ để trang trí nội thất trong nhà trở nên phổ biến với nhiều người. Vì vậy, lượng khách đến cơ sở đặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng gấp đôi so những ngày bình thường. Tuy nhiên, để hoàn thành những đơn hàng ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán, cơ sở phải thuê thêm nhân công lao động, đồng thời tăng ca làm đêm mới đủ số lượng hàng giao cho khách”.

Tại làng nghề mộc Chợ Thủ (xã Long Điền A, Chợ Mới) không khí lao động cũng nhộn nhịp không kém. Ông Trần Minh Đoàn (đại diện làng nghề mộc Chợ Thủ) cho biết, càng gần đến Tết, các sản phẩm mộc được tiêu thụ mạnh. Để chuẩn bị cho “thời điểm vàng” trong năm, các cơ sở phải chủ động nguyên liệu từ cách đó vài tháng. Thời điểm này, các cơ sở phải hoạt động hết công suất, thậm chí tăng ca vào ban đêm để kịp giao cho khách hàng.

“Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu, thị hiếu của khách hàng. Sản phẩm được thị trường ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng gỗ, mà còn được chạm trổ các loại hoa văn trang trí đẹp nên được khách hàng gần xa lựa chọn. Giá của từng loại sản phẩm tùy theo loại, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng...” - ông Đoàn chia sẻ

Tình hình kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán dự báo sẽ khó hơn so với những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong dịp cuối năm. Do đó, các cơ sở mong muốn tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt để giảm bớt một phần khó khăn trong thời gian cách ly do dịch bệnh.

Thị trường Tết Nguyên đán được coi là “mùa làm ăn” quan trọng nhất trong năm đối với các cơ sở SXKD, các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Mặc dù công việc sản xuất trong thời điểm này tuy có vất vả hơn ngày thường, song bù lại, doanh thu tăng cao hơn nên người dân trong làng nghề ai nấy đều phấn khởi. Đặc biệt, đây còn là dịp để các cơ sở giải quyết một lượng lớn người lao động tại địa phương, qua đó giúp nhiều người có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong dịp Tết đến, xuân về.

ĐỨC TOÀN