Đột phá phát triển giai đoạn 2015-2020

16/04/2020 - 07:25

 - Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm của tỉnh ước tăng 5,25%, tuy chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 (chỉ tiêu tăng trưởng 7%) nhưng là mức tăng cao hơn so giai đoạn 2011-2015 (tăng 5,07%). Cùng với đó, 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội cũng đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Giai đoạn 2016-2020, kinh tế - xã hội An Giang phát triển khá

Những kết quả khích lệ

Theo đánh giá của UBND tỉnh, 5 năm qua, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Ước có 8/14 chỉ tiêu đạt và vượt so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân ước đạt 5,25%/năm được xem là phù hợp với sức phấn đấu và nguồn lực của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông nghiệp (KV1), tăng khu vực công nghiệp - xây dựng (KV2) và thương mại - dịch vụ (KV3). Giai đoạn 2016-2020, KV1 chiếm 32,86% (giảm 8,17% so với giai đoạn 2011-2015), KV2 chiếm 14,4% (tăng 2,79%), KV3 chiếm 49,09% (tăng 5,1%).

Trong số các chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, có những chỉ tiêu quan trọng như: tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2020 đạt 65% (đạt); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2016-2020) đạt 1,5%; quy mô dân số đến năm 2020 còn 1.909.335 người (nghị quyết là 2.175.000); số bác sĩ trên 1 vạn dân đến năm 2020 là 9 bác sĩ (nghị quyết là 8 bác sĩ); tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90% (nghị quyết 80%); tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 91% (nghị quyết 90%); có 61 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (nghị quyết 60 xã).

Với những chỉ tiêu không đạt cũng có mức tăng khá so giai đoạn 2011-2015, gồm: GRDP bình quân đầu người đạt 46,803 triệu đồng/năm (nghị quyết là 46,8 triệu đồng, giai đoạn 2011-2015 là 30,919 triệu đồng); tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt 127.380 tỷ đồng (nghị quyết 148.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 đạt 99.389 tỷ đồng); thu ngân sách 5 năm đạt 31.345 tỷ đồng (nghị quyết 31.985 tỷ đồng, giai đoạn trước 26.163 tỷ đồng); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt 34,75% (nghị quyết 50%, giai đoạn trước chưa có trường đạt chuẩn). Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,18 tỷ USD (nghị quyết 6,05 tỷ USD, giai đoạn 2011-2015 đạt 4,53 tỷ USD).

Tập trung 3 khâu đột phá

Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh còn chú trọng thực hiện 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020. Trước tiên là đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ khâu tuyển chọn, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp.

Ngày 5-12-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU, thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Ngày 29-9-2017, UBND tỉnh có Quyết định số 2879/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy, giai đoạn I (từ năm 2017 đến năm 2020). Đồng thời, xây dựng lộ trình cụ thể cho các năm 2018, 2019 và 2020.

Qua quá trình triển khai thực hiện, nguồn nhân lực công đã được đào tạo trình độ chuyên môn cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu là 1.579 người; nguồn nhân lực xã hội được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng là 18.400 người. Đối với nhân lực nguồn, đã tổ chức dạy tăng cường kỹ năng nghe nói tiếng Anh; tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh; trang bị tài liệu học tập cho học sinh tham gia các lớp bồi dưỡng năng lực tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh...

An Giang xác định, cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản với trọng tâm giải quyết theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân.

Qua đó, việc thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và việc cung cấp, phát triển dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, đăng ký doanh nghiệp qua mạng và đăng ký tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đạt tích cực, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của An Giang, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và thu hút nhiều nhà đầu tư đến đăng ký, triển khai các dự án lớn theo định hướng phát triển của tỉnh.

Đối với khâu đột phá thứ 3 là đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ (KHCN), tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, những năm qua, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của KHCN. Lãnh đạo tỉnh đã quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển KHCN và đầu tư phát triển tiềm lực KHCN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại thực nghiệm KHCN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đóng góp tích cực trong việc tăng cường hàm lượng KHCN đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa nền hành chính và các lĩnh vực kinh tế, xã hội… được triển khai đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

HOÀNG XUÂN