Hà Nội: Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân

30/11/2019 - 18:53

Sau khi va chạm với xe khách, xe chở nguồn phóng xạ bị hư hỏng nặng, bình chì đựng nguồn phóng xạ bị bật nắp, chất phóng xạ bị rơi vãi, gây nhiễm bẩn phóng xạ khoảng 100m2 mặt đường...

Đây là tình huống được đặt ra trong cuộc diễn tập "Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân năm 2019" do UBND TP Hà Nội phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng chức năng tổ chức ngày 30-11 tại Hà Nội. Cuộc diễn tập có sự tham gia của hơn 200 người, 50 ô tô, xe máy các loại, trong đó có các phương tiên đặc chủng như:  xe cấp cứu nhiễm xạ, xe tiêu tẩy độc. 

Với tình huống diễn tập được đặt ra là vào lúc 9 giờ sáng tại ngã tư giao nhau giữa đường A và đường B trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, một xe chở nguồn phóng xạ dạng hở từ sân bay Nội Bài về Bệnh viện X đã xảy ra tai nạn với xe khách chở 10 người. Hậu quả là xe chở nguồn phóng xạ bị hư hỏng nặng, bình chì đựng nguồn phóng xạ bị bật nắp, chất phóng xạ bị rơi vãi, gây nhiễm bẩn phóng xạ khoảng 100m2 mặt đường.

Các lực lượng chức năng xử lý tình huống xe chở nguồn phóng xạ va chạm xe chở khách làm rơi vãi phóng xạ ra đường 

Trước tình huống trên, quy trình diễn tập gồm 2 phần được thực hiện là: vận hành cơ chế và diễn tập thực binh. Ở vận hành cơ chế bằng tư liệu, hình ảnh mô phỏng, diễn tập cơ chế chỉ huy điều hành theo hình thức thông qua hình ảnh giới thiệu việc tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng, điều hành, xử lý của các lực lượng liên quan bên ngoài hiện trường, mô phỏng hình ảnh sự cố và diễn biến phát triển của sự cố ban đầu, một số hoạt động của đơn vị tổ chức ứng phó sự cố và quá trình vận động của các cơ quan, lực lượng đến hiện trường bằng phim xây dựng dưới dạng tư liệu.

Lực lượng chức năng kiểm tra sức khỏe những người liên quan trong tình huống sự cố phóng xạ trên đường phố

 Về diễn tập thực binh, các tác nghiệp gồm: Tổ chức điều tiết giao thông, hướng dẫn công chúng sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu ban đầu và chuyển người bị nạn ra nơi an toàn. Thiết lập hàng rào an toàn; Chữa cháy; Thực hiện các hoạt động ứng phó, ngăn ngừa sự cố phát triển từ khi tiếp nhận cho đến khi sự cố được ngăn chặn hoàn toàn. Cùng với đó, các đơn vị sẽ phân loại nạn nhân bị chiếu xạ, nhiễm bẩn phóng xạ, tiến hành sơ cứu bước đầu, tẩy xạ cho nạn nhân sau đó chuyển về cơ sở y tế thích hợp. Thu hồi các mảnh vật chứa phóng xạ, tẩy xạ khu vực, thu gom chất thải phóng xạ. Điều tra khám nghiệm hiện trường và thông báo kết thúc sự cố.

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 180 cơ sở bức xạ với gần 2.000 nguồn phóng xạ, trong đó có 54 cơ sở chuyên vận chuyển nguồn phóng xạ. Vì vậy, vấn đề quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ và việc chuẩn bị lực lượng để ứng phó với sự cố bức xạ, hạt nhân là hết sức cần thiết. 

Theo SGGP