Hiệu quả kinh tế từ trồng nhãn xuồng cơm vàng

03/08/2021 - 06:35

 - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất đang là mục tiêu được nhiều nông dân vùng biên hướng đến. Điển hình như mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng của nông dân xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang).

Chị Nguyễn Thị Linh Huệ (ngụ ấp 4, xã Vĩnh Xương) là một trong những người triển khai hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế. Chị Huệ cho biết, trước đây chủ yếu trồng lúa, hoa màu nhưng hiệu quả không cao do giá cả bấp bênh. Nhận thấy giống nhãn xuồng cơm vàng có giá trị kinh tế, chị bàn bạc với gia đình, sau đó tìm hiểu cách thức và học tập kinh nghiệm của những người đi trước, từng bước tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào cây nhãn. Qua hơn 6 năm chuyển đổi 7.000m2 trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn đã giúp gia đình chị Huệ có cuộc sống ổn định.

Thời gian đầu, gia đình chị Huệ trồng thử nghiệm khoảng 1.000m2 đất. Qua canh tác, thấy được hiệu quả từ nhãn xuồng đem lại, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi thêm 6.000m2 đất đang trồng xoài sang trồng nhãn xuồng cơm vàng với hơn 300 gốc nhãn. Hiện, vườn nhãn của chị phát triển rất tốt, đặc biệt nhãn xuồng cơm vàng cho trái rất to, cơm dày, có vị ngọt thanh và có hương vị đặc trưng riêng.

Cây nhãn xuồng cơm vàng sinh trưởng tốt trên vùng đất Tân Châu

Theo chị Huệ, sau thời gian thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau, chị nhận thấy cây nhãn xuồng cơm vàng dễ trồng, nhẹ công chăm sóc cũng như chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh rất ít. “Ngoài xịt thuốc dưỡng từ lúc cây ra hoa, đậu trái thì cho đến lúc thu hoạch trái tôi không sử dụng loại thuốc hóa học nào cả, nhiều lắm chỉ bón lót phân bò để cải tạo đất, tăng độ màu mỡ, giúp cây, trái phát triển tốt. So với nhiều giống nhãn khác trên thị trường, nhãn xuồng cơm vàng có đặc tính kháng bệnh cao, nhất là bệnh chổi rồng gây hại. Mỗi cây nhãn cách nhau 6m, hàng cách hàng 6m. Việc trồng cũng dễ, chỉ là lên mô và bón phân. Với 7 công nhãn (7.000m2), mỗi vụ gia đình tôi bỏ ra khoảng 20 triệu đồng. Trong thời gian chờ nhãn cho trái, gia đình tôi tận dụng trồng xen các loại rau màu ngắn ngày nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, tăng thu nhập đáng kể” - chị Huệ chia sẻ.

Ngoài có được thu nhập từ cây nhãn xuồng cơm vàng, chị Huệ còn kiếm thêm thu nhập từ việc tận dụng hiệu quả diện tích đất trong vườn. Đến vụ thu hoạch, bình quân mỗi công nhãn xuồng cơm vàng thu hoạch từ 1-1,2 tấn trái, được thương lái đến tận vườn thu mua rồi chuyển hàng đi các nơi tiêu thụ. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đầu ra của nhãn xuồng gặp nhiều khó khăn, nông dân chỉ bán cho các sạp trái cây ở chợ, đồng thời tận dụng thêm các trang mạng xã hội để tiêu thụ nhãn nhưng chỉ tiêu thụ được số lượng ít.

“Từ khi trồng đến khoảng 18 tháng, cây nhãn bắt đầu ra bông, 4 tháng sau có thể thu hoạch. Cơm nhãn vàng dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh được thị trường ưa chuộng. Mọi năm thương lái vô vườn thu mua với giá 50.000 đồng/kg nhưng năm nay do dịch bệnh không có thương lái mua, bà con gặp rất nhiều khó khăn” - một người nông dân trồng nhãn xuồng ở TX. Tân Châu cho biết thêm.

Cây nhãn xuồng cơm vàng không là giống bản địa của vùng đất Tân Châu, nhưng bén rễ, thích ứng tốt với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Những năm đầu, diện tích trồng tương đối ít, tuy nhiên những năm gần đây do thấy được hiệu quả nên bà con đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang trồng cây nhãn. Nhờ vậy, diện tích nhãn trên địa bàn tăng khá nhanh. Cũng giống như đối với các loại nhãn khác, nhãn xuồng cơm vàng thu hoạch vào tháng 7, 8. Thịt trái nhãn dày, trắng, khi chín ngả vàng chứ không trắng muốt. Cây nhãn cao trung bình khoảng 5-7m, thân nhiều cành, lá sum suê. Đặc biệt, cây nhãn xuồng cơm vàng là cây trồng có tốc độ sinh trưởng nhanh.

Có thể thấy, trồng cây nhãn xuồng cơm vàng là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất kém hiệu quả đã đem lại lợi nhuận cho nông dân. Hiện, chị Huệ cũng như một số nông dân ở TX. Tân Châu muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình canh tác, để nâng cao chất lượng nhãn xuồng cơm vàng. Do đó, thời gian tới cần có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để đáp ứng nguồn cung - cầu đem lại lợi nhuận ổn định hơn cho bà con nông dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu) Dương Tấn Thành, diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng trên địa bàn khoảng 10ha. Đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân trong quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả. Mọi năm, đầu ra của giống nhãn này rất ổn định, có thương lái đến tận vườn thu mua. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc tiêu thụ nhãn của bà con gặp khó khăn. Địa phương đã hỗ trợ bà con bằng cách đăng tin trên mạng xã hội Facebook “Nông sản Tân Châu” nhằm tìm đầu ra hỗ trợ người trồng nhãn.

PHƯƠNG LAN