Hiệu quả từ trồng trầu không

12/10/2023 - 05:58

 - Từ vài dây trầu không trồng cho vui trong sân vườn nhà, đến nay, số lượng trầu không đã lắp đầy diện tích trồng quanh nhà ông Trần Văn Dũng (sinh năm 1950, ấp Hòa Phú, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Việc trồng trầu bán lá giúp tăng thu nhập cho gia đình hàng chục năm qua.

Trầu không là loại cây gần gũi với người dân Việt Nam, lá trầu không từng đi vào những áng thơ văn học nước nhà “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Đôi ta như trầu với cau/Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng”.

Trong cuộc sống, trầu không thường được sử dụng làm một loại dược liệu để chữa bệnh. Các cụ ngày xưa có thói quen nhai trầu kèm miếng cau, quẹt vôi, rễ chay. Đây là văn hóa lâu đời của người Việt. Hiện nay, cây trầu không được nhiều gia đình trồng để trang trí, cây dễ sống, lên xanh tốt, tạo cảnh quan đẹp.

Vườn trầu không của ông Dũng xanh tươi quanh năm

Ông Trần Văn Dũng cho biết, hơn 30 năm qua, kinh tế của gia đình đến từ vườn trầu không với hơn 400 trụ trầu. Nói về vườn trầu không với vẻ hào sảng, ông Dũng bén duyên với việc trồng trầu từ thói quen ăn trầu của mẹ mình ngày xưa.

“Để tiện cho việc nhai trầu của mẹ, tôi đã trồng vài trụ trầu trước sân nhà. Thấy dây trầu phát triển xanh tốt, nhiều người đến hỏi mua, từ đó tôi quyết định chiếc nhánh, ươm giống trồng trầu để kiếm thêm thu nhập. Càng trồng càng mê, người mua càng lúc càng nhiều, vườn trầu của gia đình phát triển theo năm tháng” - ông Dũng nhìn mấy dây trầu trước nhà nói.

Theo kinh nghiệm của ông Dũng, trầu không lá xanh vàng nhạt nhìn non mướt được ưa chuộng hơn và bán được giá hơn trầu có lá màu xanh đậm. Tuy nhiên, để cả vườn trầu với những trụ trầu không được to cao, cho lá đều đẹp theo ý muốn là kỳ công của người trồng.

Từ việc chăm sóc, bón phân, tưới nước đều phải đúng quy trình kỹ thuật. Ngay cả việc hái lá trầu cũng phải có kinh nghiệm trong lựa chọn lá, cách hái sao để không ảnh hưởng đến dây trầu và lá trầu non đang phát triển.

Để ươm giống thành công, ông Dũng chọn cách trồng bằng phương pháp giâm cành, dùng dao cắt những nhánh khỏe mạnh, có độ dài khoảng 18cm mang nhiều hơn 5 mắt. Sau đó, vô bầu, tưới nước thường xuyên để nhánh trầu bén rễ. Hơn 1 tháng, có thể đưa dây trồng xuống đất, quá trình đó phải tưới nước thường xuyên để trầu phát triển tốt.

Ngoài đổ cọc, ông Dũng dùng cọc tre để hỗ trợ cho dây trầu không leo lên. Một số dây trầu ông trồng dưới gốc cây cau. Gốc của cây là nơi để dây trầu bám vào, nên cần phải đảm bảo cây hoặc cọc tre vững chắc để không bị đổ khi trời mưa gió. Hình ảnh trầu quấn thân cau xanh tốt, nối đuôi nhau thẳng tắp tạo nên sự yên bình cho một vùng quê. 

“Nếu phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá, bạc như vôi!”. Mấy mươi năm qua, cái duyên của ông Dũng với vườn trầu không đã được khẳng định. Đưa chúng tôi đi thăm vườn trầu quanh nhà, ông Dũng nói rằng, nhờ vườn trầu này mà tôi nuôi sống gia đình, cất lại căn nhà khang trang và cuộc sống có của ăn của để. Nhìn từng cử chỉ ông chăm sóc, nâng niu từng lá trầu không, rồi cẩn thận lặt từng lá vàng héo, tôi như thấy được tình cảm lão nông ấy dành cho mỗi dây trầu. Ông Dũng nói rằng, nhà cũng có ruộng nhưng 400 trụ trầu với giá bán ổn định quanh năm, không sợ thị trường cạnh tranh đã giúp ông yên tâm sống khỏe với việc bán lá trầu.

“Hiện tại, bạn hàng của tôi ở khắp nơi từ trong đến ngoài huyện, thậm chí ngoài tỉnh. Có lượng bạn hàng ổn định nên tôi không bao giờ lo lắng về đầu ra của lá trầu không. Cách trồng và chăm sóc trầu không cũng không vất vả. Trầu không rất ưa nước nên mỗi ngày, phải tưới nước khoảng 4 cữ. Ngoài tưới dưới gốc còn phải chú ý tưới phần lá thật nhiều để lá không bị héo úa. Riêng tôi, trồng trầu không chỉ tưới nước, lặt lá bị bệnh không cần bón phân, xịt thuốc. Có điều, lá trầu hay bị bệnh vàng lá. Khi phát hiện, cần nhanh chóng lặt bỏ hết lá bệnh để không ảnh hưởng cả vườn, đồng thời bón vôi dưới gốc để trừ sâu bệnh” - ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm.

Ngày thường, ông Dũng hái lá trầu không giao bạn hàng với giá 400.000 đồng/thiên (1 thiên khoảng 2.400 lá trầu không). Cách vài ba hôm có bạn hàng đặt mấy thiên trầu không. Giá bán được giữ ổn định đến vụ Tết mới được ông Dũng tăng giá.

“Trước Tết 1 tháng, tôi ngưng giao lá trầu cho tất cả bạn hàng để dưỡng vườn trầu “đủ sức” phục vụ mùa Tết. Từ giữa tháng Chạp, tôi bắt đầu công việc hái lá trầu bán Tết. Giá bán lúc này lên đến 1 triệu đồng/thiên trầu. Vậy mà lượng bạn hàng rất đông, số lượng đặt hàng rất nhiều. Khi đó, cả gia đình phải tranh thủ hái lá từ sáng đến chiều tối mới kịp đơn hàng. Chỉ ngắn ngủi mấy ngày Tết, vườn trầu không này mang về thu nhập vài chục triệu đồng” - ông Dũng hào hứng khoe.

Sau vụ Tết, ông Dũng dành thời gian chăm sóc cho vườn, cắt tỉa những dây trầu khỏe. Khoảng 1 tháng sau là có thể thu hoạch lá mới. Với mỗi 1 nhánh trầu mới, khi thu hoạch bao giờ ông Dũng cũng chừa lại lá nhỏ kế tiếp lá to để nuôi từ 15 đến 20 ngày. Cứ như vậy, trầu cho lá liên tục từ ngày này qua tháng khác cho đến khi dây trầu già. Từ những dây trầu mỏng manh nhưng bền bỉ đã giúp cuộc sống của gia đình ông Dũng có nguồn thu nhập ổn định.

PHƯƠNG LAN