Trước đây, gia đình ông Vương Văn Biên (xã Long Hòa) gặp khó do ít đất canh tác. Thông qua các buổi sinh hoạt, Hội Nông dân xã Long Hòa tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, trong đó, trồng trầu trên đất vườn tạp kém hiệu quả. Địa phương còn thành lập Tổ hợp tác trồng trầu, nhằm liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn 450 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất; mua sắm vật tư, trang thiết bị.
Đến nay, mô hình của gia đình ông Biên mang lại tín hiệu khả quan. “Diện tích 1.000m2, gia đình tôi trồng khoảng 600 trụ trầu. Trồng 3 - 4 tháng có thể thu hoạch, cách 15 - 20 ngày tiếp tục hái đợt tiếp theo. Bình quân 70 - 80 trụ trầu sẽ thu hoạch được 1 muôn (10.000) lá trầu, giá bán dao động từ 5 - 6 triệu đồng/muôn. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình tôi thu về lợi nhuận 15 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, sau 3 năm mới trồng lại trụ khác” - ông Biên chia sẻ.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai
Theo Hội Nông dân huyện Phú Tân, trong năm 2024, các cấp hội vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 401 triệu đồng, đạt 111,4% kế hoạch, nâng tổng nguồn quỹ huyện quản lý trên 4 tỷ đồng. Từ đó, đã giải ngân 24 dự án, 58 hộ, số tiền 1,1 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương giải ngân 2 dự án, 22 hộ, tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Hội Nông dân huyện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, quản lý 86 tổ vay vốn tiết kiệm với 3.926 hộ vay, tổng dư nợ gần 137 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện giới thiệu gần 1.600 nông dân tiếp cận vốn vay 500 tỷ đồng...
Ngoài hỗ trợ vay vốn, đơn vị còn hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); ra mắt Cửa hàng trưng bày nông sản, sản phẩm OCOP xã Hòa Lạc. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, đây là mô hình mới trên địa bàn huyện, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm đạt chuẩn OCOP địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất - kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, thiết lập được chuỗi liên kết, cung ứng hàng hóa và kết nối giữa các chủ thể (từ người sản xuất đến người tiêu dùng); góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hội Nông dân huyện còn tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân; tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới; mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; hình thức kinh tế tập thể, chuyển đổi số… “Chúng tôi triển khai hiệu quả phát triển kinh tế tập thể, thành lập mới chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, thu hút được đông đảo nông dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu tỉnh giao” - ông Lê Văn Ẩn thông tin.
Năm 2025, Hội Nông dân huyện Phú Tân sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh thông qua các chương trình, hoạt động thiết thực. Cụ thể, như: Hỗ trợ vay vốn; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác hội, thực hiện chuyển đổi số, nền tảng số cho cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân; củng cố, nâng chất hoạt động chi, tổ hội, tổ hợp tác, hợp tác xã; vận động thành lập mới hợp tác xã; vận động nông dân tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp…
ĐỨC TOÀN