Hỗ trợ tín dụng giúp doanh nghiệp vượt khó mùa dịch bệnh

15/07/2020 - 08:46

 - Dù dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt nhưng những tác động tiêu cực của đại dịch vẫn ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp (DN), nhất là vấn đề tài chính. Sự hỗ trợ, chia sẻ và tiếp sức kịp thời của ngành ngân hàng sẽ là động lực giúp DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp chủ động hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường

Lắng nghe khách hàng

Ngày 13-3-2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Đến ngày 31-3-2020, Thống đốc NHNN Việt Nam tiếp tục có Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh An Giang Võ Hồng Nho cho biết, thực hiện các nội dung chỉ thị này, NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt đến các tổ chức tín dụng triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ cho người dân và DN bị ảnh hưởng, bị thiệt hại do dịch bệnh như: tăng cường tiếp cận, phối hợp, hướng dẫn khách hàng cung cấp thông tin thiệt hại; tổ chức làm việc, trao đổi, tư vấn và đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng khách hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

“Hầu hết hội sở chính các ngân hàng thương mại (NHTM) rất quan tâm, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn về đối tượng khách hàng, ngành nghề, các tiêu chí hỗ trợ và quy định rõ các loại giấy tờ cần khách hàng cung cấp, chứng minh thiệt hại cho các chi nhánh NHTM thực hiện thống nhất chung trên toàn quốc.

Các NHTM đã triển khai các chương trình tín dụng rất thiết thực, lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với trước khi có dịch bệnh từ 0,5-3%/năm, giảm phí dịch vụ thanh toán, cải cách mạnh mẽ quy trình thủ tục cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng, cung cấp đa dạng các dịch vụ công thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân và DN” - ông Nho thông tin.

Về phía NHNN chi nhánh An Giang, cùng với thành lập đường dây nóng hỗ trợ khách hàng, đã tích cực phối hợp các sở, ngành, Hiệp hội DN tỉnh và các hiệp hội ngành nghề, thông tin các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Từ ngày 15-3 đến nay, chi nhánh đã tiếp nhận từ 27 đề nghị hỗ trợ DN từ các sở, ngành và 357 khách hàng cá nhân ngành vận tải ôtô, đã chuyển tiếp đến các NHTM trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ. Định kỳ hoặc đột xuất, NHNN chi nhánh An Giang báo cáo NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện, các khó khăn cần hỗ trợ, xử lý.

Cần sức bật từ doanh nghiệp

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh An Giang Võ Hồng Nho cho biết, đến cuối tháng 5-2020, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng với dư nợ gần 152.000 tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt trên 767.000 tỷ đồng với hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch bệnh COVID-19.

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh An Giang, đến nay, về cơ bản, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo kinh tế trong nước và tỉnh An Giang thời gian tới còn nhiều khó khăn nhất định, ảnh hưởng lớn ngành ngân hàng. So cuối năm 2019, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến 29-5-2020 chỉ đạt 1,96%, là mức tăng thấp nhất so nhiều năm trước (tín dụng toàn ngành 5 tháng đầu năm 2019 là 5,74%; 5 tháng đầu năm 2018 6,16%). Cùng với đó là giảm khả năng trả nợ đến hạn, dẫn đến tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu.

“Trong quá trình hỗ trợ, có những ngân hàng còn gặp khó khăn khi khách hàng vay e ngại cung cấp thông tin, phối hợp chưa tốt với các ngân hàng để chứng minh mức độ thiệt hại. Một số DN đề nghị có gói tín dụng kích cầu với lãi suất ưu đãi 0%/năm, thời gian được vay ưu đãi từ 1-3 năm. Chi nhánh đã giải thích cho DN hiểu việc hỗ trợ giảm lãi vay của các NHTM bản chất là chia sẻ từ nguồn vốn huy động, từ cắt giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận của ngân hàng. Do đó, có những giới hạn nhất định và rất cần sự đồng hành, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ của cộng đồng DN cùng khắc phục khó khăn, phát triển hiệu quả và bền vững” - ông Nho chia sẻ.

Ông Nho cho rằng, để có được sự hỗ trợ tốt từ ngân hàng, bản thân các DN cần xây dựng và triển khai các phương án, dự án thực sự khả thi, tập trung các nguồn lực thực hiện có hiệu quả, cân đối được nguồn trả nợ. Các DN cần phối hợp chặt chẽ với các NHTM, minh bạch tài chính, chứng minh khả năng thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách đối với cả DN và ngân hàng.

Các DN cần quan tâm tận dụng cơ hội để tái cấu trúc hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tham gia các chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ và minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn, chủ động thích ứng với biến động của thị trường. “Đây là cơ sở để DN phục hồi và phát triển, đồng thời bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế” - ông Nho nhấn mạnh.

“Ngành ngân hàng An Giang cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nguồn vốn vay phục vụ khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng; tăng cường và tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, có kết quả hơn nữa những giải pháp hỗ trợ, các chính sách tín dụng ưu đãi cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh An Giang Võ Hồng Nho khẳng định.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích