Huyện Phú Tân đẩy mạnh liên kết tiêu thụ lúa, nếp

11/03/2022 - 06:18

 - Vùng sản xuất lúa, nếp ở huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đang bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm với năng suất khá cao. Ở những nơi có tham gia liên kết tiêu thụ lúa, nếp, giá cả được thống nhất đẹp lòng cả đôi bên, nông dân rất phấn khởi. Không phải lo tìm thương lái và thấp thỏm chờ giá như sản xuất thông thường, nông dân vẫn có lời… là các lợi ích đầu tiên được chú ý khi bàn về việc tham gia liên kết với doanh nghiệp.

Niềm tin cho nông dân

Qua công tác tuyên truyền, vận động, trong vụ đông xuân, toàn xã Hiệp Xương có 124ha liên kết theo mô hình LT123 và liên kết thông thường khoảng 500ha. Là kỹ thuật viên bảo vệ thực vật của xã, đồng thời tham gia sản xuất lúa liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, anh Trần Thanh Linh đem cái nhìn của người trong cuộc để tuyên truyền, vận động nông dân quan tâm đến mô hình này. Còn khoảng 1 tuần trước khi thu hoạch, lúa thu mua được nông dân và đại diện Tập đoàn Lộc Trời chốt giá 5.700 đồng/kg - mức giá đáng mừng so với mong đợi.

Cán bộ kỹ thuật của xã và Tập đoàn Lộc Trời cùng nông dân thăm đồng

Anh Linh cho biết, LT123 là mô hình bao lợi nhuận, trong đó công ty đầu tư tất cả giống, phân thuốc cho nông dân canh tác. Cuối vụ, nông dân giao cho công ty 7 tấn lúa, còn công ty đưa cho bà con 15,5 triệu đồng lợi nhuận cố định. Phần sản xuất dư trên 7 tấn được chốt giá theo giá thị trường. So với sản xuất thông thường, lợi nhuận của mô hình LT123 ổn định hơn.

Ngoài ra, công ty còn cung cấp vật tư nông nghiệp, chi phí công đoạn cày, xới, phun xịt… Phân bón và các loại thuốc được định lượng để sử dụng vừa đủ theo quy trình tiêu chuẩn. Nông dân tuân thủ rất tốt theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho sản phẩm sau thu hoạch.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Phú Lộc Nguyễn Văn Tùng cho biết, đơn vị có 67 thành viên, đều tham gia liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, tổng diện tích trên 100ha. Bà con trồng lúa theo tập quán cũ, thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm. Trong khi mô hình chỉ sử dụng phân bón, các loại thuốc của công ty nên họ bày tỏ e ngại. Một số khác có tâm lý đợi những người thực hiện trước để đánh giá kết quả mới mạnh dạn tham gia. Qua vụ này có thể khẳng định kết quả khá thuyết phục, bởi chi phí thấp hơn 20%, mà năng suất, chất lượng vẫn đạt bằng hoặc cao hơn.

Nhiều năm nay, nông dân xã Hiệp Xương chuyển dần từ nếp sang trồng lúa chất lượng cao (93% đang canh tác giống OM18). Bên cạnh sự đồng hành, hướng dẫn của ngành chuyên môn huyện và xã, những hộ dân vào liên kết sản xuất còn được lực lượng kỹ thuật của công ty về tận nơi, bám đồng ruộng xuyên suốt. “Điển hình ngay vụ này, nông dân được lợi nhuận cao hơn 1 triệu đồng/công so với bà con sản xuất ngoài liên kết. Đó là chưa kể việc sử dụng giống thuần giúp năng suất ổn định hơn, giảm sâu bệnh. Tham gia vào liên kết, nông dân chỉ còn tập trung tạo ra sản lượng, yên tâm sản xuất, không còn sợ lỗ”- anh Trần Thanh Linh chia sẻ.

Tuyên truyền mở rộng

Hiện nay, xã Hiệp Xương là một trong những địa phương có diện tích tham gia liên kết tiêu thụ lúa, nếp lớn của huyện Phú Tân. Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Xương Nguyễn Văn Sang thông tin, xã đã thực hiện 4 vụ liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, riêng liên kết mô hình LT123 là lần đầu tiên thực hiện trong vụ đông xuân 2021-2022. Qua đánh giá, vụ này công ty chốt giá thu mua lúa của nông dân cao hơn thị trường 50-100 đồng, đa số nông dân phấn khởi. Tín hiệu tích cực này thu hút thêm nhiều người dân đăng ký tham gia vụ sản xuất tiếp theo. Địa phương đang tiếp tục vận động để đạt theo kế hoạch phấn đấu 1.000ha trên địa bàn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, đầu tháng 3-2022, lúa, nếp vụ đông xuân vào giai đoạn đầu thu hoạch, năng suất bình quân 6,86 tấn/ha, tổng diện tích được liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 3.000ha. Trong đó, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời hơn 2.655ha (gồm: Mô hình LT123, mô hình không dấu chân và liên kết truyền thống), còn lại là các doanh nghiệp khác.

Hiểu được tâm lý băn khoăn của người dân khi tham gia liên kết, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và minh chứng bằng mô hình nông dân đã tham gia liên kết hiệu quả. Không chỉ vận động nông dân ở giai đoạn đầu, xuyên suốt quá trình thực hiện chăm sóc lúa, cán bộ, thành viên hợp tác xã đều tuyên truyền, thuyết phục cho nông dân thấy được thực tế, nhằm so sánh, đánh giá xác đáng.

Đông xuân năm 2021-2022 là vụ đầu tiên thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, được UBND huyện xác định có vai trò và ý nghĩa quan trọng để hướng tới liên kết lâu dài cho những năm tiếp theo. Từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực mở rộng liên kết bằng các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Đối với các xã, thị trấn, để đẩy nhanh tiến độ liên kết phấn đấu đạt kế hoạch, huyện yêu cầu chú trọng đến vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên có đất sản xuất, thành viên hội nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi…

Trong bối cảnh tác động của thời tiết cực đoan, dịch bệnh COVID-19, giá cả vật tư nông nghiệp tăng… càng cho thấy, sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết là giải pháp cần thiết để nhà nông nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững, gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Qua đó, tránh lặp lại câu chuyện “được mùa nhưng mất giá” hoặc “được giá thì thất mùa”.


MỸ HẠNH