Khẩn trương ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn

15/03/2024 - 07:36

 - Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, ít mưa, mức nước dưới kênh thấp... là nguyên nhân khiến tình trạng khô hạn thêm khắc nghiệt. Trong khi đó, độ mặn ở các vùng cửa sông tỉnh Kiên Giang tăng lên, nguy cơ xâm nhập mặn vào nội đồng An Giang, gây ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân, cần khẩn trương ứng phó.

Nhu cầu nước tưới cho cây trồng tăng cao vào mùa khô

Theo dự báo của các trung tâm khí hậu trên thế giới, trong 3 tháng đầu năm 2024, El Nino (pha nóng) tiếp tục duy trì, khả năng kéo dài tới tháng 6. Đầu tháng 3, nắng nóng cục bộ đã xuất hiện nhiều nơi.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, từ tháng 4 - 6/2024, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5 - 1oC; nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng năm 2024 có khả năng từ 36 - 38oC. Trong những tháng mùa khô, khả năng mưa trái mùa rất ít, mùa mưa đến muộn, khô hạn có thể kéo dài trong thời kỳ này.

Trong tháng 3, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong xuống dần, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về hạ lưu (qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc) thấp hơn TBNN khoảng 5 - 15%; từ tháng 4 - 6/2024, tổng lượng dòng chảy có khả năng thấp hơn 15 - 25%. Xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang xuất hiện sớm hơn, cao hơn; độ mặn cao nhất có khả năng từ 0,1 - 0,3o, duy trì từ tháng 3 - 5/2024.

Trước diễn biến khô, hạn, xâm nhập mặn phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã ký công văn yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (BĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh, Công ty Điện lực An Giang, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh (tại Công văn 01/BCH-PCTT, ngày 12/1/2024) về triển khai công tác phòng, chống hạn kiệt, mực nước hạ thấp phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2024.

UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, kiệt mùa khô phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn và tình hình hạn hán, thiếu nước, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.

Trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS cấp huyện, xã (thành viên là trưởng cơ quan, đơn vị theo quy định), cần phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành khi có sự cố, thiên tai xảy ra. Đồng thời, tiếp tục rà soát, củng cố hoạt động của đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng, chủ động xử lý giờ đầu, giảm thiểu đến mức thấp khi có ảnh hưởng hạn, kiệt, chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Ngành chức năng tổ chức rà soát nguồn nước phục vụ sinh hoạt, có kế hoạch kéo dài đường ống dẫn nước phục vụ nông thôn, đảm bảo có đầy đủ nước sạch tới các khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng cao, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn kiệt, mực nước hạ thấp, như: Bể, bồn, lu... Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước, nhất là vùng cao của huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.

Ngành nông nghiệp và các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu hạn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện điều tiết nước.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang phối hợp UBND huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên và Chi cục Kiểm lâm xây dựng và ban hành kế hoạch lấy nước từ hồ chứa do công ty quản lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2024. Trong đó, thống nhất cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng vận hành linh hoạt, tiết kiệm nước, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đủ nước cung cấp cho cây trồng, thực hiện thời vụ sản xuất tập trung để không kéo dài thời gian lấy nước.

Các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện quản lý vận hành đóng, mở hợp lý hệ thống cống để trữ nước vào hệ thống kênh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh ở từng khu vực, thời điểm sản xuất; chủ động bơm nước vào những thời điểm triều cao để tăng hiệu quả.

Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phân công, hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống, khắc phục hạn, kiệt, mực nước thấp theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và sản xuất liên tục.

HOÀNG XUÂN