Kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

14/10/2022 - 06:46

 - Từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ và tỉnh An Giang kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Kinh tế phục hồi

Từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhờ vậy, nền kinh tế Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia ở Châu Á có tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Tại An Giang, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) và người dân, KTXH 9 tháng của tỉnh phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang 9 tháng qua tăng 6,47%, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra là 5,28%. Tất cả các khu vực đều tăng trưởng cao hơn so kịch bản (nông, lâm, thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,95%; thương mại - dịch vụ tăng 8,41%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,96%).

Tăng cường các giải pháp bình ổn và kiểm soát giá cả thị trường nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tăng trưởng kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh; nhiều ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển mạnh, nhất là du lịch và dịch vụ; nông nghiệp phát triển ổn định. Thu hút vốn đầu tư, phát triển DN đạt kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác thông tin, truyền thông được chú trọng, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Tỉnh giải quyết tốt các nhiệm vụ thường xuyên; xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh và tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, thị trường quốc tế bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực và các vấn đề căng thẳng địa chính trị khu vực, toàn cầu…

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất - kinh doanh gia tăng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp tục chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ; chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phục hồi và phát triển KTXH năm 2022 trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trên người. Các sở, ngành tỉnh và địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh.

Các sở, ngành tỉnh phối hợp chặt chẽ Văn phòng UBND tỉnh An Giang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, DN, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác đối ngoại trên tuyến biên giới. Các cơ quan, đơn vị tăng cường thông tin, truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong việc hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới.  

Các sở, ngành được yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và kiểm soát giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Phối hợp Cục Quản lý thị trường, các cơ quan liên quan và địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, thị trường, phòng, chống gian lận thương mại; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá cả, đầu cơ tăng giá, hàng gian, hàng giả.

THU THẢO