Kỳ vọng năm mới 2020

01/01/2020 - 05:36

 - Với những kết quả đạt được năm 2019 rất toàn diện trên tất cả các lĩnh vực (đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt), sẽ là tiền đề để An Giang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, những kết quả đạt được trong năm qua góp phần đưa tăng trưởng GRDP của tỉnh cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt, nhiều lĩnh vực chuyển biến rõ nét hơn, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Phấn khởi hơn, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước thực hiện năm 2019 (theo giá so sánh 2010) tăng 7,02% so cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 5,23%). Trong mức tăng 7,02% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65% (cao hơn cùng kỳ năm 2018), đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,40% (cao hơn mức tăng 7,81% của cùng kỳ năm trước), đóng góp 1,39 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 8,90% (cao hơn mức tăng 6,60% của cùng kỳ năm trước), đóng góp 4,67 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung… Tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 51,26% và hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới sớm hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực và dần ổn định (khu vực I ngày càng giảm và khu vực II, III tăng dần qua các năm). Trong đó, tổng mức bán sỉ, lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2019 đạt 216.593 tỷ đồng, tăng 12,29% so cùng kỳ năm trước. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 890 triệu USD, đạt 100% so kế hoạch và tăng 5,95% so cùng kỳ năm trước. Tỉnh chú trọng tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuận lợi. Năm qua, thu hút 76 dự án đăng ký đầu tư mới (2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 74 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký 17.636 tỷ đồng. Phát triển hạ tầng giao thông để tạo động lực phát triển, cùng với các công trình do trung ương đầu tư, tỉnh huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống cầu đường, xã hội hóa xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Đặc biệt, cầu Vàm Cống hoàn thành và tuyến đường tránh TP. Long Xuyên đang triển khai tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển giao thương với các tỉnh, thành phố trong và ngoài vùng.

Là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động du lịch để khai thác tiềm năng, thế mạnh. Nhiều khu du lịch trọng điểm như: núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp, cù lao Giêng… tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. An Giang đón khoảng 9,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 8,24% so cùng kỳ (năm 2018 đón 8,5 triệu lượt). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 120.000 lượt, tăng 20% so cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 14,58% so cùng kỳ… Lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Kỳ vọng năm 2020, tỉnh đánh giá khu vực nông - lâm - thủy sản có nhiều triển vọng phát triển hơn khi giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng. Những hoạt động cải cách, tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu có chuyển biến tích cực, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã và đang triển khai vào thực tiễn. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai gần 5 năm bắt đầu có hiệu quả (cây ăn trái sẽ cho thu hoạch nhiều hơn). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị - nông thôn - miền núi. Đặc biệt là công trình cầu Vàm Cống hoàn thành tạo thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành du lịch và dịch vụ của tỉnh.

Tỉnh tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn đi vào hoạt động để tạo đà tăng trưởng. Tập trung khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Tăng cường đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

 Bài, ảnh: HỮU HUYNH