Lắng nghe và chia sẻ với doanh nghiệp

20/02/2023 - 05:50

 - Dù dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, kinh tế từng bước phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Lãi suất ngân hàng, nhiên liệu xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng, sức mua một số mặt hàng giảm, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, thiếu kinh phí xúc tiến thị trường… là những vấn đề DN cần được đồng hành và chia sẻ.

Tín hiệu tích cực

Năm 2022, kinh tế phục hồi, các hoạt động du lịch trở lại bình thường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh. Đối với những DN kinh doanh hàng tiêu dùng, lại nằm ở trung tâm thành phố du lịch Châu Đốc (tỉnh An Giang) như Siêu thị Tứ Sơn, có thể xem là một năm thắng lợi lớn.

“Chúng tôi rất vui, không phải chỉ vì kinh doanh thuận lợi mà vui vì thấy cuộc sống đang trở lại bình thường sau thời gian chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Với thị trường tiêu dùng lớn như An Giang (hơn 1,9 triệu người) cùng 7-8 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch mỗi năm, cơ hội để khai thác các mặt hàng thế mạnh của tỉnh là rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh” - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ.

Doanh nghiệp An Giang luôn đóng góp, đồng hành với tỉnh trong xây dựng, phát triển quê hương Bác Tôn

Bản thân ông Sơn cũng như nhiều chủ DN khác càng vui khi thấy tuyến tránh TP. Long Xuyên sắp hoàn thiện, cầu Châu Đốc cùng tuyến kết nối Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang đang hình thành. Trong tỉnh, nhiều tuyến đường liên huyện được nâng cấp, mở rộng; Tỉnh lộ 945 kết nối xuống Kiên Giang được xây dựng mới… Giữa năm nay, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng. “Đó là thời cơ, vận hội mới cho DN trong tỉnh khi giao thông thuận lợi, lượng khách đổ về An Giang nhiều hơn, thu hút đầu tư mạnh hơn.

Để đảm bảo nguồn hàng đặc trưng cung ứng cho du khách, tôi nghĩ các DN, cơ sở có sản phẩm OCOP cần chăm chút hơn cho sản phẩm của mình, từ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cho đến mẫu mã, bao bì, thông tin đầy đủ, minh bạch, rõ ràng; phải làm sao để sản phẩm An Giang trở thành lựa chọn tiêu dùng và khách ưu tiên mua làm quà khi đến với tỉnh” - ông Tạ Minh Sơn gợi ý thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 của tỉnh có sự nỗ lực, đồng hành rất lớn của cộng đồng DN. Điều đó cũng cho thấy những tín hiệu tích cực về phục hồi và tăng trưởng kinh tế. “Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để đẩy mạnh phát triển KTXH trong các năm tiếp theo nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển KTXH 5 năm (2021-2025). Đây cũng là năm mở thêm nhiều cơ hội mới cho DN” - ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Nắm bắt thời cơ

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2023, tỉnh triển khai nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng, như: Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023) kết hợp với Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023; thông xe kỹ thuật tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.

Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, như: Khởi công dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua tỉnh An Giang) vào tháng 6; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án liên kết vùng Tuyến N1, đoạn Châu Đốc - Tân Châu và cầu Châu Đốc; hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến tránh thị trấn An Châu - Bình Hòa (nối Tỉnh lộ 941), định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư nối dài tuyến này đến thị trấn Cái Dầu, tiếp nối đến Tỉnh lộ 945 (nối huyện Châu Phú, tỉnh An Giang qua huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) và TP. Châu Đốc.

“Tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tập trung rà soát, cập nhật điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch để tạo hành lang pháp lý mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm, ưu tiên trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án đã đăng ký. Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh An Giang với nhiều nội dung hỗ trợ, vừa đáp ứng nhu cầu, vừa khắc phục các điểm yếu của các DN nhỏ và vừa về xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, đổi mới sáng tạo” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu KTXH khá cao (GRDP tăng 7-7,5%, kim ngạch xuất khẩu 1,17 tỷ USD), đồng thời bổ sung giải pháp trọng tâm là tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với DN, nhà đầu tư với quan điểm “chính quyền kiến tạo, DN đồng hành”. “An Giang luôn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh và sự phát triển của DN, luôn đồng hành, chia sẻ với DN trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh bằng những nhiệm vụ và giải pháp, có phân công, phân nhiệm rất cụ thể, rõ ràng. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành tích cực giải quyết hoặc tham mưu cấp trên giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư, tạo sự chuyển biến rõ nét về thái độ ứng xử và phục vụ DN, nhà đầu tư. Tỉnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và có sự cạnh tranh công bằng, đúng nghĩa để mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

“Các DN, doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự lực, trách nhiệm, chủ động khắc phục những khó khăn trước mắt và lâu dài để đạt mục tiêu cao nhất trong sản xuất - kinh doanh, phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, cần mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những rào cản, những vấn đề gây vướng mắc, phiền hà, cản trở hoạt động của DN để tỉnh có biện pháp xử lý và khắc phục sớm nhất. Bởi vì, tất cả những vấn đề gì làm cản trở hoạt động của DN cũng chính là cản trở phát triển KTXH của địa phương” – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý.

NGÔ CHUẨN