Mô hình nuôi chim bồ câu gà và trồng mít Thái

20/07/2021 - 06:38

“Chim bồ câu gà là loại dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc; hiệu quả kinh tế mang lại khá cao...”- nhận định của ông Lê Minh Luân (ngụ ấp Phú Hiệp, xã Hòa Lợi, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) về mô hình nuôi bồ câu gà mà gia đình ông thực hiện. Mô hình nuôi bồ câu gà đã giúp gia đình ông có được nguồn thu nhập ổn định, trên 100 triệu đồng/năm.

Việc chăn nuôi chim bồ câu gà giúp gia đình ông Lê Minh Luân có được thu nhập khả quan

Chi phí đầu tư thấp

Mười mấy năm trước, gia đình ông Lê Minh Luân bắt đầu làm quen với chim bồ câu. Thời điểm đó, ông Luân nuôi với mục đích làm “chim cảnh” là chính, chưa nghĩ đến việc phát triển kinh tế. Dần dần, nhận thấy nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn về loại “chim cảnh” này càng cao, ông Luân mạnh dạn xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng thương phẩm.

Dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình, ông Luân cho biết, diện tích khu vực nuôi rộng trên 100m2, được chia làm 2 tầng, mỗi tầng được chia thành nhiều ngăn nhỏ với kích thước phù hợp cho mỗi cặp bồ câu. Ngoài ra, chuồng nuôi được ông bố trí ở độ cao vừa phải, thuận lợi cho việc chăm sóc và đảm bảo sự khô thoáng chuồng trại để chim bồ câu phát triển tốt.

Với diện tích trên, ông Luân tiến hành thả nuôi 500 cặp chim bồ câu gà. Sau nhiều năm chăn nuôi, ông Luân cho biết, loại này rất dễ nuôi, sức đề kháng tốt nên ít khi bị bệnh. Bên cạnh đó, nuôi chim bồ câu không mất nhiều thời gian, công sức; vốn đầu tư ban đầu không lớn; ít rủi ro...

“Mỗi ngày, tôi chỉ dành thời gian khoảng 2 giờ để chăm sóc, bao gồm việc cho ăn uống, vệ sinh chuồng trại... Thức ăn khá dễ tìm, chủ yếu là lúa trộn thức ăn công nghiệp để bổ sung dinh dưỡng cần thiết hỗ trợ cho sự sinh trưởng và phát triển của chim. Chi phí thức ăn cho chim bồ câu cũng khá nhẹ, khoảng 1.000 đồng/con/ngày” - ông Luân chia sẻ.

Một trong những ưu điểm của nuôi bồ câu là nông dân có thể tự chủ được nguồn cung con giống. Theo ông Luân, mỗi cặp chim bố mẹ có thể sinh sản nhiều lứa trong năm. Sau khi sinh sản xong 1 lứa, trong vòng 10 ngày có thể tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Trứng bồ câu được ấp trong 18 ngày là nở con. Sau 40 ngày chăm sóc có thể xuất chuồng. Thời điểm này, trọng lượng mỗi con đạt từ 500-600gr. Nhờ sinh sản liên tục, bồ câu lớn nhanh nên hiệu quả kinh tế đem lại rất cao.

Hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, chim bồ câu là vật nuôi có giá trị dinh dưỡng khá cao, bổ dưỡng nên thị trường rất ưa chuộng. Ông Luân cho biết, mỗi tháng, ông cho xuất chuồng 200 cặp bồ câu, với giá 170.000 đồng/cặp. Mỗi năm, ông Luân đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng. “Hiện nay, bồ câu tiêu thụ mạnh ở TP. Châu Đốc và huyện An Phú. Nhu cầu thị trường khá lớn nên không phải lo lắng về đầu ra” - ông Luân chia sẻ.

Không chỉ nhạy bén trong chăn nuôi, ông Lê Minh Luân còn linh động trong việc phát triển mô hình trồng cây ăn trái. Hiện nay, ông Luân canh tác 3.000m2 mít Thái, với khoảng 300 gốc mít. Trong quá trình canh tác, ông Luân còn tận dụng phân chim bồ câu để làm phân bón cho cây mít. Nhờ vậy, cây mít sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, chất lượng trái đảm bảo, giảm chi phí trong quá trình canh tác. “Phần diện tích này, trước đây chủ yếu trồng tre và một số loại cây tạp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Thấy nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh phát triển mô hình trồng mít Thái nên tôi chuyển đổi. Sau hơn 5 năm canh tác, mô hình trồng cây mít Thái giúp gia đình tôi cải thiện thu nhập” - ông Luân chia sẻ.

Theo ông Luân, mít Thái từ lúc trồng đến thu hoạch mất khoảng 1 năm. Đây là loại cây trồng cho năng suất cao, thời gian thu hoạch kéo dài và có thể thu hoạch liên tục trong năm. “Cách 7-10 ngày, tôi thu hoạch 1 lần, mỗi lần từ 200-700kg tùy thời điểm. Mít được thương lái đến tận nhà thu mua, với giá từ 20.000-30.000 đồng/kg, thấp nhất khoảng 10.000 đồng/kg. Từ việc trồng mít Thái, mỗi tháng gia đình tôi thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng”- ông Luân phấn khởi.

Mô hình nuôi chim bồ câu gà và trồng mít Thái đã góp phần tăng thu nhập cho gia đình ông Lê Minh Luân. Ông Luân cho biết, sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, con giống cho nông dân để cùng nhau phát triển kinh tế. Với quy mô đàn hiện nay chưa đủ cung ứng chim bồ câu thương phẩm cho các thương lái, nên thời gian tới, ông Luân sẽ mở rộng quy mô đàn để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

ĐỨC TOÀN