Nam Định: Cau tươi được giá, bán đắt như tôm tươi, người dân vui như Tết

06/10/2021 - 09:06

Dù giá cau tươi đang neo cao ở mức 70.000- 100.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà vườn ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) không còn cau để bán. Cau tươi thu hái đến đâu được thương lái mua hết đến đó.

Giá cau tươi cao ngất ngưởng

Những ngày này có dịp về thăm xã Hải Đường (huyện Hải Hậu)- nơi được mệnh danh là "vựa" cau lớn nhất của tỉnh Nam Định, chúng tôi mới thấy hết được không khí nhộn nhịp, tất bật của người dân nơi đây. 

Ngay từ đầu làng đã nghe thấy tiếng mọi người gọi nhau í ới đi hái cau, bán cho thương lái. Mồ hôi nhễ nhại, thế nhưng ai nấy cũng tỏ vẻ vui tươi, phấn khởi, bởi giá cau năm nay được mùa.

Ở đây, cau được trồng la liệt. Những hàng cau nối dài "thẳng cánh cò bay", trải dài khắp xã. Cau được người dân tận dụng trồng mọi nơi, có hộ trồng cau dọc 2 bên đường vào ngõ, xóm, nhìn thẳng tắp rất đẹp mắt.

Ông Phạm Văn Nhưỡng (xóm 6, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) giới thiệu về vườn cau của gia đình. Ảnh: M.C

Vụ cau năm nay gia đình ông Phạm Văn Nhưỡng (xóm 6, xã Hải Đường) thu được nhiều thắng lợi. Ông Nhưỡng sở hữu 5 sào cau với khoảng 1.000 cây đang cho thu hoạch.

Theo ông Nhưỡng, sản lượng và giá bán cau tươi năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm đầu vụ cau tươi được bán với giá 70.000 đồng/kg, thời gian sau đó giá tiếp tục tăng, đỉnh điểm có lúc giá cau lên đến 100.000 đồng/kg, thế nhưng không có cau để bán.

Cau tươi giữ giá ở mức 100.000 đồng/kg được khoảng nửa tháng thì bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, hiện giảm xuống còn 80.000 - 85.000 đồng/kg. Song, ở mức giá như thế này, người trồng cau vẫn có lãi.

"Chưa bao giờ, giá cau tươi lại tăng giá đột ngột như năm nay, cao gấp nhiều lần so với cùng kì năm ngoái. Thời gian qua, thương lái đua nhau về các vườn để thu mua, đặt cọc tiền với các nhà vườn…", ông Nhưỡng cho hay.

Theo ông Nhưỡng, cau Hải Đường bắt đầu cho thu hoạch từ đầu tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 12 âm lịch. Trung bình, cứ 15 ngày thương lái đến thu hoạch 1 đợt, mỗi đợt gia đình ông bán được từ 4 - 5 tạ quả cau tươi.

Ngoài trồng lúa, cây cau được xác định là loại cây được trồng nhiều tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: M.C

Ông Nhưỡng cho biết thêm, giống cau mà gia đình ông đang canh tác là giống cau rã rọc- đây là giống cau chịu gió bão tốt, cây khỏe, ít sâu bệnh; buồng sai quả, mã xanh đen và nhiều tua tóc.

Ngoài ra, chất lượng cau thơm, ngon nên được thị trường đón nhận. Vào các dịp lễ, tết, cau rã rọc được nhiều người chọn mua.

Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử DANVIET.VN ngoài việc sản xuất cau thương phẩm, nhiều hộ dân ở xã Hải Đường còn có kinh nghiệm ươm cau giống phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh.

Đơn cử như hộ gia đình ông Đỗ Thanh Minh, ông Phạm Ngọc Thạch… cùng ở xóm 6 (xã Hải Đường) có khả năng cung ứng hàng chục vạn cây giống mỗi năm.

Riêng, gia đình nhà ông Phạm Văn Nhưỡng, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 3.000 cây cau giống với giá bán dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/cây cao khoảng 15cm. Năm nay, giá cây giống cũng tăng cao, từ 15.000 - 20.000 đồng/cây.

Cau khô xuất ngoại

Ông Phạm Thế Doanh- Bí thư Đảng ủy xã Hải Đường cho biết, cây cau được người dân đem về địa phương canh tác đã từ rất lâu. Theo thống kê, năm 2020 toàn xã thu về trên 60 tỉ đồng từ cây cau.

Thời điểm này, lò sấy cau của gia đình anh Phạm Văn Phong (xóm 21, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) hoạt động hết công suất để đáp ứng đủ nguồn hàng cho thị trường nước bạn. Ảnh: M.C

"Năm nay giá cau tươi cao hơn năm ngoái. Nếu như năm ngoái cao điểm giá cau chỉ đạt 60.000 đồng/kg thì năm nay ngay đầu vụ đã ở ngưỡng 60.000 đồng/kg và đỉnh điểm lên đến khoảng 100.000 đồng/kg", ông Doanh nói.

Ông Doanh cho biết thêm, để nâng cao giá trị kinh tế từ quả cau, nhiều hộ gia đình đã đầu tư lò sấy cau với công suất lớn. Hiện nay, toàn xã có hơn 20 lò sấy cau, sản lượng mỗi lò sấy đạt trên dưới 300 tấn cau mỗi năm.

Sản phẩm cau khô được các chủ lò xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Thời điểm này, lò sấy cau của gia đình anh Phạm Văn Phong (xóm 21, xã Hải Đường) đang hoạt động hết công suất với 10 tấn cau/ngày để đáp ứng đủ nguồn hàng cho thị trường nước bạn.

Sấy xong, cau được công nhân lựa chọn, phân loại kỹ càng. Ảnh: M.C

Phía bên ngoài khu vực lò sấy, các công nhân đang tất bật với công việc của mình; người thì phân loại cau khô, người thì đưa cau tươi vào lò sấy, ai nấy mồ hôi nhễ nhãi.

Anh Phong cho hay, gia đình anh mở lò sấy cau đã được 20 năm nay. Trung bình, mỗi năm cung ứng sang thị trường Trung Quốc hơn 100 tấn cau khô.

Năm nay, thị trường cau khô thiếu hụt nên Trung Quốc thu mua nhiều, vì vậy giá cau khô tăng, cao gấp nhiều lần so với năm ngoái. Hiện cau khô đang được bán với giá khoảng 500.000 đồng/kg.

Theo anh Phong, để đạt được 1 mẻ cau khô đáp ứng đủ tiêu chuẩn, cau tươi phải được sấy trong vòng 4 ngày- đêm liên tiếp. Sau đó, đưa ra ngoài để phân loại cau.

Theo Dân Việt